Đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng bằng nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên chức, sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị sở ngành và các địa phương… đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo về chuyên môn, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Cục Công Thương địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp - thương mại của địa phương nói chung, và trong việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp, hoạt động khuyến công nói riêng, ngành Công Thương Quảng Ninh luôn duy trì, phát triển ổn định và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Lĩnh vực công nghiệp: Quy hoạch đi trước

Với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, dịch vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở đã tích cực tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; triển khai đôn đốc hiệu quả việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện việc quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh nhằm phát triển đa dạng các nguồn điện (điện gió, điện sinh khối, nhiệt điện, điện năng lượng mặt trời)… và hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát tiềm năng phát triển các nguồn điện trên địa bàn.

Với quan điểm Quy hoạch đi trước, Sở Công Thương Quảng Ninh tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 45 CCN. Kết quả: đến nay, đã thành lập, mở rộng diện tích 09 cụm công nghiệp với tổng diện tích 469,51 ha, trong đó: 05 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74ha và 04 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Việc hình thành và phát triển cụm công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời việc xử lý chất thải, nước thải có điều kiện sử dụng hệ thống xử lý chất thải tập trung, giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển sản xuất công nghiệp.

Thời gian qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách khuyến công đã hoàn thành kế hoạch được giao từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia, các đề án đảm bảo về khối lượng và chất lượng. Sở Công Thương Quảng Ninh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đã góp phần hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đầu tư có hiệu quả vào hoạt động sản xuất CNNT, tạo sức lan tỏa từ chính sách khuyến công đối với nhu cầu của phát triển trên địa bàn. Đồng thời, các Đề án khuyến công đã được triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và giám sát theo dõi thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra, thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT để đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Công tác triển khai hoạt động khuyến công thời gian qua luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao điều chỉnh đúng thời điểm, tháo gỡ khó khăn của Cục Công Thương địa phương đối với các cơ sở CNNT được hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời, đúng chủ trương của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Được biết, hoạt động khuyến công Quảng Ninh đã hỗ trợ cho gần 300 đề án/nhiệm vụ khuyến công như: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý…, với kinh phí hỗ trợ thực hiện gần 40 tỷ đồng. Trong đó, đề án/nhiệm vụ khuyến công địa phương thực hiện trên 250 đề án/nhiệm vụ, kinh phí hỗ trợ trên 30 tỷ đồng (chiếm 75%); khuyến công quốc gia thực hiện 35 đề án, kinh phí hỗ trợ 9.69 tỷ đồng (chiếm 25%). Và đã thu hút được nguồn vốn đối ứng của các cơ sở CNNT gần 300 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Sở Công Thương cũng tập trung đẩy mạnh vào các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất chế biến của địa phương như: nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cao; phát triển sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế tiêu biểu như tham gia các Hội chợ triển lãm tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia… đã đạt được những hiệu quả nhất định, giúp cơ sở CNNT phát triển thị trường theo đúng chủ trương của Bộ và của tỉnh Quảng Ninh.

Lĩnh vực thương mại: Phát triển về chất

Hoạt động kinh doanh thương mại có bước phát triển đột phá về chất và mở rộng ở cả ba khu vực thị trường: thành thị, nông thôn, miền núi. Sức mua ngày càng tăng, nhất là đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 tăng 5,73% cùng kỳ, năm 2022 tăng 24,4% cùng kỳ, dự kiến năm 2023 tăng 23,9%, dự kiến tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 17,68% (mục tiêu tăng 17 - 18%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 2.342 triệu USD, tăng 9,4% cùng kỳ; năm 2022 đạt 2.783 triệu USD, tăng 8,6% cùng kỳ; dự kiến năm 2023 đạt 3.095 triệu USD, tăng 11,2% cùng kỳ; dự kiến tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,7% (mục tiêu tăng 5-7%).

Cơ sở hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. Đặc biệt, quan tâm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới; hàng hoá đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; sát sao trong công tác tham mưu các quy chế, quy định cũng như công tác kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh hạ tầng thương mại nhằm phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng văn minh, hiện đại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 135 chợ, 26 siêu thị, 07 trung tâm thương mại, 142 cửa hàng tiện ích, 25 điểm bán hàng và giới thiệu OCOP, 09 cơ sở bán buôn và 268 cơ sở bán lẻ rượu, 32 cơ sở bán buôn và 414 cơ sở bán lẻ thuốc lá, 05 trạm chiết nạp và 534 cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng, 05 thương nhân đầu mối với 08 thương nhân phân phối cùng 111 doanh nghiệp và 218 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Những kết quả trên đã góp phần xây dựng hình ảnh một Quảng Ninh văn minh, hiện đại, trở thành điểm nhấn thúc đẩy hoạt động thương mại của tỉnh Quảng Ninh lên tầm cỡ quốc tế. 

Phát huy lợi thế các cặp cửa khẩu, Quảng Ninh đã thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển 3 khu kinh tế cửa khẩu, ba cặp cửa khẩu này sẽ là động lực, giao lưu hợp tác phát triển thương mại mậu dịch Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN, là động lực quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế.

Tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Công Thương địa phương

Thứ nhất, tiếp tục đặt mục tiêu huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển chung của tỉnh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, hướng các hoạt động khuyến công vào việc thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, công nghiệp nông thôn và các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung các ngành công nghiệp thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần gia tăng và giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.

Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, Tiếp tục tuyên truyền và huy động các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của từng địa phương. Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội; phối hợp thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt.

Thứ năm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển CNNT một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác đào tạo nghề, du nhập nghề mới cho lao động nông thôn từng bước gắn kết các doanh nghiệp; các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao công nghệ được chú trọng và duy trì phát triển đã tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhân rộng mô hình, hạn chế ô nhiễm môi trường. Khuyến công đã hỗ trợ tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập, khảo sát và tạo điều kiện để các cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.

Bên cạnh đó, là nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng các hoạt động, có trọng tâm trọng điểm, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn; tổ chức, giới thiệu và làm đầu mối cho các cơ sở CNNT tham gia các diễn đàn, hội thảo, khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường; hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường trong nước và quốc tế…

Tăng cường đẩy mạnh quá trình liên kết hoạt động thương mại với các tỉnh, thành trong cả nước, hướng vào việc cung ứng và tiêu thụ hàng hoá đặc sản và có lợi thế phát triển của tỉnh để hình thành hệ thống phân phối hàng hoá có hiệu quả. Triển khai kịp thời các quy định điều kiện xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường nước ngoài, đặc biệt các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Hỗ trợ các cơ sở CNNT đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Trong nước, thế và lực đang từng bước được nâng lên; việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sẽ mở ra thời cơ, thuận lợi mới, song Quảng Ninh cũng phải tiếp tục đối mặt với các nguy cơ và thách thức không nhỏ. Trong đó yêu cầu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, gia tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, liên kết với ngành nông nghiệp khai thác, sử dụng triệt để và có hiệu quả nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp; phát triển ngành năng lượng sạch góp phần tăng trưởng công nghiệp và kinh tế tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung. Sở Công Thương Quảng Ninh quyết tâm khắc phục những khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt vai trò của ngành trong phát triển công nghiệp, thương mại địa phương.

 

ARIT