Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 của TP Cần Thơ ước tăng 3,74% so cùng kỳ năm 2022. Với mức tăng trưởng này, trong 6 tháng cuối năm 2023, thành phố cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Chưa đạt như kỳ vọng

Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy thoái… tác động nhiều mặt đến các quốc gia. Trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và đang ngày càng gia tăng. Tình hình kinh tế  cả nước nói chung và của TP Cần Thơ nói riêng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố và nỗ lực của các ngành, doanh nghiệp, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố ước tính tăng 3,71% so cùng kỳ năm trước. Ðây không phải là mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng chậm lại (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,35%) nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện nay. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,96%; khu vực dịch vụ chiếm 52,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,55%.

Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế thành phố, tuy nhiên với mức tăng trưởng 5,95% (đóng góp 3,09 điểm phần trăm) ảnh hưởng đến mức tăng chung của 6 tháng đầu năm 2023. Một số ngành chiếm tỷ trọng cao trong khu vực dịch vụ tăng so cùng kỳ năm 2022 như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 7,57%; vận tải kho bãi tăng 5,66%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 21,81%; vui chơi và giải trí tăng 10,2%… Bên cạnh đó, vẫn có một số lĩnh vực tăng trưởng chậm hoặc giảm so cùng kỳ năm 2022 như hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 4,46%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 3,75%...

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 1,06%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Trong đó công nghiệp tăng 1,22%, do đa phần các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới và tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu và mức cầu thị trường cả trong nước và nước ngoài. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ  0,06% so cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do các công trình xây dựng nhà ở chưa có nhiều dự án mới được khởi công, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng ngành Xây dựng.

Nửa đầu năm 2023, thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định. Theo đó, giá lúa đang có xu hướng tăng do nhu cầu xuất khẩu; hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thu hoạch thủy sản tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 2,25%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Thuế sản phẩm tăng 0,93% so cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố.

Nỗ lực phấn đấu

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mục tiêu 9,5% theo Nghị quyết của HÐND thành phố, điều này là thách thức lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong 6 tháng còn lại năm 2023. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, 6 tháng cuối năm  dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Huyện chủ động rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và tăng cường phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm OCOP; chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn. Huyện quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý xây dựng và trật tự kỷ cương đô thị, quản lý đất đai, công tác giải phóng mặt bằng…

Trong công tác thu ngân sách nhà nước, ông Cáp Quý Phúc, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Cục Thuế tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thuế, nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo tình hình thu một cách chủ động và tích cực. Xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tiếp tục đôn đốc, xử lý thu hồi nợ thuế; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế...

Ðể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, ông Lê Ngọc Bảy đề xuất: Thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện và giải quyết các vướng mắc của từng dự án. Cùng đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như tình trạng thiếu đơn hàng; tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm, kết nối và mở rộng thêm những thị trường mới…

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ

Sưu tầm: Nhung Trần