Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang có một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết. Trước bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó đã xác định một số quan điểm chủ yếu để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, Nghị quyết khẳng định mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa ba thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong một chỉnh thể thống nhất. Trong đó, nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là địa bàn. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu của Đảng, nguyện vọng của nông dân và bối cảnh thời đại hiện nay. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, Nghị quyết xác định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết đã cụ thể hóa những yêu cầu năng lực, phẩm chất của nông dân trong giai đoạn hiện nay như: “có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường”. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Ba là, căn cứ vào lợi thế cạnh tranh, những thuận lợi do tự nhiên, lịch sử mang lại, nhu cầu phát triển của đất nước, khu vực và thế giới, Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bốn là, về quan điểm xây dựng nông thôn hiện đại, Nghị quyết nêu: “xây dựng nông thôn Việt Nam hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, môi trường xanh - sạch - đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông thôn hiện đại phải gắn với không gian di sản văn hóa, giá trị văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp”. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn phát triển hài hòa, đồng bộ giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là tại các địa bàn trọng điểm chiến lược; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân và sản xuất.

Năm là, Nghị quyết khẳng định quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 09-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/BCSĐ ngày 04/11/2022 lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19. Kế hoạch đã đề ra 05 giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết, cụ thể:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ nội dung Nghị quyết số 19, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, cụ thể hóa, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ ba, kịp thời sơ kết, tổng kết, rà soát, sửa đổi các văn bản theo chủ trương định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 19; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, quyết tâm chính trị cao, với các giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19.

Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 19, Kế hoạch của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đề ra 06 nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện gồm: (1) Thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (2) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn; (3) Thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; (4) Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (5) Nâng cao trình độ khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; (6) Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; (7) Đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; (8) Đẩy mạnh công tác truyền thông.

Kế hoạch cũng đã giao 18 nhiệm vụ, đề án với yêu cầu tiến độ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, phấn đấu thực hiện hiệu quả, sớm đưa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19 vào thực tiễn.


 Nguồn:Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương

Tin đã đăng