Theo đó, công tác phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc thiết lập mối quan hệ phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Đồng thời, thực hiện cơ chế quản lý thống nhất từ một đầu mối là Sở Công Thương; việc thực hiện phối hợp quản lý nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Trường hợp giải quyết nội dung theo tính chất chuyên ngành, trong quá trình thực hiện, UBND thành phố sẽ giao một cơ quan chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết.
Nội dung quản lý cụm công nghiệp và trách nhiệm của của các cơ quan, đơn vị liên quan bao gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về cụm công nghiệp; xây đựng, điều chỉnh và tích hợp phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và cấp phép xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cho thuê lại đất trong cụm công nghiệp; tiếp nhận và thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác thông tin báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra.
UBND thành phố giao Sở Công Thương thực hiện quyền hạn, trách nhiệm quản lý cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và các nhiệm vụ được giao tại Quy chế; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy chế; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ hăng năm hoặc đột xuất gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố về tình hình triển khai thực hiện. Đồng thời, có trách nhiệm tiếp nhận và phối hợp các cơ quan chức năng trả lời các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, Sở Công Thương tổng hợp báo cáo xin ý kiến UBND thành phố.
Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định của pháp luật tổ chức triển khai thực hiện Quy chế.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Thông tư số 28/2020/TT-BCT, các quy định pháp luật khác có liên quan và Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chi tiết Quyết định xem tại đây./.
NTB-VPC