Làm gì để mở ra cơ hội và phát triển bền vững làng nghề truyền thống tại địa phương là vấn đề đang được tỉnh Quảng Nam quan tâm, phát huy vai trò làng nghề.

Ra đời cách đây hơn 500 năm nhưng trên thị trường, thương hiệu lụa Mã Châu vẫn là một cái tên lạ lẫm với nhiều người, vì vậy rất cần được quảng bá, để mọi người biết đến nhiều hơn. Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Yến, chủ cơ sở tại làng nghề dệt lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Và đó cũng là vấn đề tỉnh đang quan tâm. Tỉnh đang tìm giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; tháo gỡ khó khăn, kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phát huy vai trò làng nghề trong việc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận lao động ở nông thôn...

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn đó là tình trạng thiếu lao động do giới trẻ không tha thiết gắn bó với nghề; nguồn nguyên liệu khan hiếm, vốn đầu tư còn hạn hẹp, một số công trình hạ tầng phục vụ làng nghề được nhà nước đầu tư chưa phát huy hiệu quả, các hộ sản xuất không đủ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất…

Vì vậy, một số làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi cùng các kỹ năng và bí quyết nghề truyền thống của tỉnh có nguy cơ mai một, thất truyền.

Nhiều người cho rằng, nhà nước cần quan tâm, có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, cơ sở được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư bởi nguồn vốn hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện nay còn thấp, không đủ điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất.

Theo Anh Dương Ngọc Truyền - Trưởng làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng nhà trưng bày cho làng để giới thiệu sản phẩm đến mọi người; nâng cấp hệ thống đường giao thông để tạo thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ; có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân làng nghề có điều kiện sản xuất để bảo tồn và phát triển làng nghề; thu hút con em làng nghề tiếp tục gắn bó với nghề…

Về vấn đề này, ông Đỗ Tiên Đạt - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng, vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề ngoài sự hỗ trợ của nhà nước thì các nghệ nhân và làng nghề phải quan tâm đầu tư, hướng con em mình gắn bó với làng nghề, đặc biệt phải đoàn kết để bảo tồn làng nghề, không được vụ lợi riêng.

Riêng về xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam - cho biết, ngoài hình thức truyền thống như: Tổ chức hội chợ, triển lãm thì cần phát triển mạnh trên các phương tiện thương mại điện tử để gắn kết, xúc tiến thương mại. Đây là bước đầu để đánh thức tư duy, cách nghĩ, cách làm của từng doanh nghiệp. Quảng Nam sẽ quảng bá, giới thiệu với những hình thức mới. Trong thời gian tới, nhà nước sẽ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép đào tạo bồi dưỡng về thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số để thị trường được mở rộng hơn.

Ông Hồ QUANG BỬU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Cần tạo cơ hội cho các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, các chủ thể sản phẩm nghề được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung - cầu để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo Báo Công Thương