Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều năm nay, nghề đan lục bình góp phần tạo việc làm cho người dân nơi đây.

So với nghề đan lát, cói, nghề đan lục bình có rất nhiều ưu điểm vượt trội như nguồn nguyên liệu cây lục bình rất dồi dào, giá thành chỉ bằng 1/3 so với nguyên liệu từ cây cói, lát. Hơn nữa năng suất sản xuất các sản phẩm từ cây lục bình gấp 4 lần (cói, lát sợi nhỏ đan lâu) và đặc biệt vẫn đảm bảo tính mỹ thuật, độ bền, do đó được thị trường rất ưa chuộng.

Lục bình là loài cây thân thảo, thường trôi dạt trên các dòng sông hoặc quần tụ tại các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao. Cũng có khi cây lục bình lớn lên trong các mương vườn. Cây Lục bình màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp. Rễ trông như lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước.

Cây lục bình có tốc độ sinh sản rất nhanh và rất dễ trồng và chăm sóc, đặc biệt ở những vùng gần sông nước. Khi cây lục bình trưởng thành, thân cây sẽ nổi lên trên mặt nước và đưa ra hoa. Cây lục bình thường nở hoa vào mùa hè, sắc tím nhạt, điểm chấm màu lam, cánh hoa trên có 1 đốt vàng.

Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 cm. Đó chính là lúc thích hợp để thu hoạch cây lục bình. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình.

Cho đến nay, có hai hình thức đan sản phẩm lục bình. Đó là đan thảm lục bình, hay còn gọi là đĩa lục bình, và đan khung. Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản. Có ba kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na, kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau.

Ví dụ như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm, còn đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được, trong đó, kiểu đan rối có vẻ đẹp hơn nhưng cũng khó thực hiện hơn.

Thoát nghèo nhờ đan lát lục bình

Thời gian qua, nhiều mô hình sinh kế được huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang triển khai hiệu quả đã góp phần tích cực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, điển hình là mô hình đan lát lục bình. Nhờ công việc đan lục bình, hàng trăm phụ nữ ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang kiếm thêm được thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng.

Những năm gần đây, phụ nữ trên địa bàn xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã có thêm thu nhập khoảng hơn 100.000 đồng/ngày nhờ nghề đan lục bình. Các sản phẩm được đan từ lục bình không nhuộm màu mà dùng màu từ cây lục bình tự nhiên đã sơ chế, tạo ra các sản phẩm đa dạng, nhiều kích cỡ, hình dáng như hình vuông, hình tròn, trái tim, hình thuyền, hình chum...

Tại ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, trước đây, nghề đan đát chủ yếu bằng tre, trúc ít người tham gia vì phải qua nhiều công đoạn khó, cần đến đàn ông như phải đi tìm mua và tự chặt cây, sau đó đem về chẻ ra mới đến lượt chị em vuốt nan, đan lát. Giờ đan lục bình chỉ mất vài ngày học hỏi là có thể làm được theo mẫu. Nghề đan lục bình nhẹ nhàng, dễ làm, mọi lứa tuổi từ người già đến các em mới lớn đều có thể tham gia.

Tiện lợi của đan lục bình là không bị gò bó về thời gian, có thể tranh thủ làm trong thời gian rảnh rỗi. Trung bình, một người có thể đan khoảng 2-3 sản phẩm/ngày, mỗi sản phẩm được khoảng 30.000 - 40.000 đồng tùy theo mẫu.

Chị Lê Thị Đảm, ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông cho biết, trước đây, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Từ khi có nghề đan lục bình, vừa chăm con, chị vừa tranh thủ đan, mỗi ngày cũng kiếm được gần 100.000 đồng, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngày trước, chị em trong ấp chủ yếu đi làm thuê mướn theo mùa vụ, hết mùa, rảnh rỗi chỉ ở nhà. Từ khi có nghề đan lục bình, nhiều chị trong ấp có việc làm thường xuyên, trung bình một ngày, người đan nhanh thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng. Người mới biết đan cũng có thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng.

Hiện nay, hơn 100 chị em trong huyện làm nghề này, trong đó có khoảng 40 chị xem đây là công việc chính, làm hàng ngày. Nhờ vậy, mấy năm qua, kinh tế các gia đình đã có phần ổn định hơn, cuộc sống bớt khó khăn hơn trước. Mô hình đan lục bình đã góp phần giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn cho nhiều chị em, giúp các gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Hiện tại có nhiều gia đình trong xã, nhất là chị em dân tộc Khmer làm nghề đan lục bình. Từ đó có thêm thu nhập, chị em không phải đi lao động xa. Đặc biệt, khi chị em có nguồn thu ổn định, chị em tham gia vào những tổ góp vốn xoay vòng để có số tiền lớn hơn để thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Mô hình nghề thủ công đan đát lục bình giải quyết lao động nhàn rỗi tại nhà đã giúp mỗi gia đình ở xã vùng sâu Vĩnh Thuận dần nâng cao cuộc sống, góp phần cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh thực hiện tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập để xây dựng nông thôn mới.

Đại diện xã Phong Đông cho biết, hiện tại có nhiều gia đình trong xã làm nghề đan lục bình, từ đó có thêm thu nhập và phát huy thế mạnh của làng nghề ở ấp Ruộng Sạ 2, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến đầu năm 2020 xuống còn 3,59%. Đến nay, không chỉ ở xã Phong Đông, nhiều xã khác ở huyện Vĩnh Thuận có nhiều chị cùng tham gia đan lục bình để có thêm thu nhập.

Ngày 13/9/2022, tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định công nhận nghề Đan lục bình tại ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận là Làng nghề.

Người khơi mở sinh kế từ lục bình

Từ nhiều năm nay, Cơ sở Đan lục bình của chị Lê Thị Kim Thoa ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ trên địa bàn. Chị Thoa cho biết, năm 2017, chị biết được tỉnh Hậu Giang phát triển nghề đan lục bình, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân nên quyết định sang địa phương lân cận học nghề.

Sau 3 tháng học nghề, chị Thoa về nhà hướng dẫn các chị em trong gia đình làm. Thấy chị Thoa đan lục bình hiệu quả, nhiều chị đã đến học hỏi kinh nghiệm. Chị Thoa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dạy họ cùng đan. Đầu năm 2018, chị Thoa thành lập cơ sở đan lục bình và phát triển đến nay. Hiện, địa phương có trên 100 chị cùng tham gia. Việc tiêu thụ sản phẩm của chị em phụ nữ địa phương đã có công ty đảm nhiệm thực hiện.

Theo chị Nguyễn Thị Như Ý ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, nghề đan lục bình rất phù hợp với phụ nữ nông thôn, do không nặng nhọc. Có nhiều hộ gia đình, nhiều người chồng cũng phụ các chị em phụ nữ đan lục bình lúc rảnh, xong còn phụ thêm việc vận chuyển sản phẩm làm ra giao cho nơi thu mua.

Từ khi thành lập cơ sở đan lục bình công việc của chị em ổn định hơn. Cơ sở đứng ra làm đầu mối hợp đồng với các công ty nên có những đơn hàng thường xuyên, giúp chị em có công việc và thu nhập đều đặn.

Bà Võ Thị Tới ở ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận cho biết, trước đây, bà thường đi làm thuê theo mùa vụ. Nay tuổi cao, bà không làm được những việc nặng nhọc. Từ ngày có nghề đan lục bình, bà không phải đi làm thuê nữa, cuộc sống thoải mái hơn nhiều.

Chị Thoa cho biết: "Ở đây, khoảng từ 4-5 năm về trước, người dân nông thôn sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm, có thời gian nhàn rỗi rất nhiều. Tôi đi sang Hậu Giang học nghề, về hướng dẫn lại cho chị em phụ nữ địa phương làm theo, không ngờ rất hiệu quả. Ngoài thu nhập từ con tôm, chị em phụ nữ còn có thêm vài triệu đồng mỗi tháng".

Nghề đan lục bình đã giúp chị em phụ nữ yên tâm làm ăn ở địa phương, thay vì phải đi xa kiếm sống. Mô hình đan lục bình của chị Lê Thị Kim Thoa thật sự rất ý nghĩa, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện tốt 11 nội dung thành phần của chương trình. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khôi phục và phát triển thêm các làng nghề và ngành nghề truyền thống.

Bên cạnh việc tập huấn hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đăng ký công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị cho 111 cơ sở kinh doanh ngành nghề truyền thống từ dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, giai đoạn 2015-2022, UBND tỉnh Kiên Giang xem xét và công nhận 52 ngành, nghề truyền thống. Toàn tỉnh có khoảng 1.350 cơ sở kinh doanh sản xuất các ngành, nghề truyền thống.

Sự phát triển của các làng nghề và nghề truyền thống đã tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 57,8 triệu đồng/người/năm.

 

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: NTB-VPC