Công tác khuyến công của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, chỉ số công nghiệp tăng trưởng cao. Vai trò công tác khuyến công ngày càng khẳng định

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng với tốc độ cao, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, quý I năm 2022 đạt 12,93%. Trong đó, tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ổn định và phát triển, đặc biệt tăng trưởng cao ở các tháng của Quý II do dần ít chịu tác động của dịch bệnh Covid - 19, hầu hết các sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 18,1% so cùng kỳ. Đóng góp cho sự thành công chung vào nền công nghiệp của tỉnh, trong các năm vừa qua kết quả công tác khuyến công đã được triển khai thực hiện.

Cụ thể, năm 2021, Sở Công Thương Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng triển khai thực hiện công tác khuyến công với tổng kinh phí là: 3.872 triệu đồng. Trong đó, Chương trình khuyến công quốc gia là: 2.400 triệu đồng, gồm các đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho 05 đơn vị; Hỗ trợ dây chuyền thiết bị đồng bộ vào sản xuất phân bón hữu cơ và chế biến nông sản cho 02 đơn vị; Chương trình khuyến công địa phương: 1.472 triệu đồng với 07 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và 01 đề án về chương trình xúc tiến thương mại.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác khuyến công dự kiến triển khai thực hiện và giải ngân nguồn kinh phí là: 6.948 triệu đồng, Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 4.830 triệu đồng trên tổng kinh phí 4.830 triệu đồng đã được Bộ Công Thương phê duyệt, bao gồm: Tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị khuyến công khu vực phía Bắc lần thứ XVI; Tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 và nghiệm thu 02 đề án nhóm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thù công nghiệp; Nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 2.118 triệu đồng trên tổng kinh phí 3.227 triệu đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Ngành công thương 28 tỉnh, thành phố KV phía Bắc; Hội nghị khuyến công khu vực phía Bắc lần thứ XVI năm 2022 và nghiệm thu 06 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; tham gia Hội chợ tại 04 tỉnh năm 2022.

Có thể nói, những kết quả đạt được nêu trên có thể nhận thấy vai trò của công tác khuyến công đã bước đầu đạt được những tín hiệu tích cực, góp phần hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phục hồi và phát triển trong tình hình mới, khi dịch bệnh Covid -19 đã dần từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, với tiềm năng thế mạnh của nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng của tỉnh, cụ thể như nguồn khoáng sản và các mỏ đá tự nhiên rất phù hợp cho ngành nghề sản xuất đã ốp lát đá xây dựng và đá mỹ nghệ; khai khoáng và luyện kim.

Thanh Hóa là tỉnh rộng, với hơn 100 km bờ biển cùng với 03 cảng cá như: cảng Hoằng Trường, Cảng Hới và cảng Lạch Bạng, rất thuận lợi cho nghề chế biến thủy hải sản phát triển. Cũng như nguồn nguyên liệu có trữ lượng lớn và đa dạng như: cói Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống; mây, giang, bèo bồng, bẹ chuối,.. là yếu tố cần thiết để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, là vai trò của khuyến công trong lĩnh vực chế biến lâm sản.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 400 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trong đó có một số doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu trực tiếp, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Đức, Mỹ và EU với nhu cầu cao về giấy, đồ gỗ nội thất, gỗ công nghiệp và gỗ kỹ thuật dùng trong xây dựng.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai, với đặc thù tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh lớn nằm ở khu vực Bắc - Bắc Trung bộ, có diện tích đứng thứ 5, có dân số đứng thứ 3 cả nước, có độ dốc địa hình trải dài từ miền núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển; với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là vùng lâm sản tự nhiên và vùng gỗ rừng trồng. Hiện nay có 160 nghìn ha rừng được quản lý theo hướng bền vững cấp chứng chỉ FSC, trồng rừng trên 10.000 ha và 6,2 triệu cây phân tán; nâng diện tích rừng gỗ lớn 56.000 ha, luồng thâm canh 30.000 ha. Đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú, đồi dào, bền vững cho phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sở Công Thương Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo Trung tâm khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án điểm giai đoạn 2023 - 2025 trong lĩnh vực chế biến lâm sản, nhằm sử dụng nguồn lao động chuyên môn hóa và cả lao động thời vụ, tạo điều kiện người nông dân lao động có việc làm ổn định. Tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn liên kết đầu tư, quy hoạch nguồn nguyên liệu, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nguồn nguyên liệu gỗ tạp tự nhiên và gỗ rừng trồng tại địa phương. Hướng tới mục tiêu triển khai hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ toàn tỉnh đạt khoảng 100 triệu USD. Phấn đấu đến năm 2025, trên 80% cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết: “Để hoạt động đề án khuyến công quốc gia điểm trong lĩnh vực chế biến lâm sản giai đoạn 2023 - 2025 đạt hiệu quả cao hơn nữa, để sức lan tỏa của đề án điểm rộng hơn và góp phần tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến lâm sản nói riêng, xứng tầm với tốc độ phát triển công nghiệp trên toàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập sâu và rộng hiện nay. Sở Công Thương Thanh Hóa kính đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ để triển khai đa dạng các nội dung nhiệm vụ khuyến công, thúc đẩy nền công nghiệp của tỉnh. Cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện không thực sự cần thiết, các tiêu chí yêu cầu phức tạp, khó áp dụng được trong thực tiễn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong hoạt động khuyến công, kích thích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”