Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, Hộ kinh doanh Nguyên Phát (Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, qua đó tăng gấp đôi sản lượng mỗi tháng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với vị trí nằm ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng, Hộ kinh doanh Nguyên Phát có nhiều thuận lợi để quảng bá, giới thiệu đặc sản của Sóc Trăng đến người tiêu dùng và du khách. Trung bình mỗi tháng hộ kinh doanh sản xuất bánh phồng tôm cung cấp trên thị trường khoảng 500 kg, giải quyết việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người.

Tuy nhiên, do các máy móc thiết bị sấy hiện có của Hộ kinh doanh Nguyên Phát đã cũ, tiêu tốn nhiều điện năng sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng cả về số lượng và chất lượng. Để tăng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở phải đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất.

Song, giá thành máy móc thiết bị mới khá cao, khiến Hộ kinh doanh Nguyên Phát gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư. Vì vậy hộ kinh doanh rất cần sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công của địa phương để thực hiện việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, qua đó giảm bớt một phần chi phí đầu tư, tạo nền tảng cho cơ sở phát triển bền vững.  

Từ thực tế này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh phồng tôm” đối với Hộ kinh doanh Nguyên Phát từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023.

Tổng kinh phí đầu tư là 300 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 haỗ trợ 145 triệu đồng, phần còn lại do Hộ kinh doanh Nguyên Phát đối ứng. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Hộ kinh doanh Nguyên Phát đã mạnh dạn đầu tư 1 lò sấy có công suất 50kg/mẻ vào sản xuất.

Lò sấy phồng tôm mới đầu tư so với lò sấy cũ có những tính năng vượt trội như: Công suất lớn hơn, thời gian sấy ngắn, tiết kiệm điện năng, chất lượng sản phẩm đồng đều, màu sắc đẹp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nên giảm chi phí công nhân. Ngoài ra, lò sấy có tủ điện điều khiển, khởi động vận hành dễ dàng, nhiệt độ sấy được hiển thị bằng đồng hồ nhiệt, có đèn báo đảm bảo an toàn và thuận tiện, tính tự động hóa cao, dễ dàng bảo hành bảo dưỡng.

Lò sấy mới đi vào hoạt động đã giúp Hộ kinh doanh Nguyên Phát sản xuất bánh phồng tôm khoảng 1.000 kg/tháng, tăng gấp hai lần so với trước đó.

Ông Chung Chí Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đề án được thực hiện đã giúp hộ kinh doanh tăng công suất, bảo đảm việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; hạn chế gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, máy móc thiết bị được hỗ trợ sẽ phục vụ tốt cho sản xuất của hộ kinh doanh do có nguồn nguyên liệu tôm dồi dào, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trong và ngoài tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh… qua đó góp phần phát triển sản xuất công nghiệp địa phương trong thời gian tới”.

Vừa qua, sản phẩm bánh phồng tôm Nguyên Phát được Hội đồng bình chọn cấp tỉnh bình chon đạt danh hiệu 3 sao, đây là một trong những lợi thế để khẳng định uy tín, vị thế sản phẩm trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

St: ĐXT