Theo các chuyên gia, gắn kết khuyến công với xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn là sự hỗ trợ, góp phần “trợ lực” cho cơ sở phát triển mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, gắn kết khuyến công với xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) là sự hỗ trợ xuyên suốt, toàn diện góp phần “trợ lực” cho cơ sở sản xuất CNNT phát triển mạnh mẽ.

Khuyến công hỗ trợ mở rộng sản xuất

Đại diện các sở Công Thương và doanh nghiệp cho rằng, hoạt động khuyến công thời gian qua đã tiếp sức mạnh mẽ cho các cơ sở CNNT các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên phục hồi sau đại dịch Covid - 19. 7 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn khu vực đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng (bằng 28,44% kế hoạch năm, cao hơn 62,15% so với tỷ lệ thực hiện 7 tháng đầu năm 2021).

Theo ông Lê Ngọc Cường – Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Cường A.I.C (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng được thị trường đến nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Sản phẩm làm ra tăng gấp 4 lần khi chưa đầu tư máy móc công nghệ. Ông Cường mong muốn thời gian tới chương trình sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để có thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.

Ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định - cho biết, với phương châm hỗ trợ nhanh, phục hồi sớm, ngành Công Thương tỉnh Bình Định đã hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất CNNT khôi khục, đầu tư máy móc, từ đó, tăng năng suất, sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - ông Phạm Văn Binh đánh giá, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất - chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.

Tiếp tục phát huy tính liên kết

Theo bà Thái Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm CNNT qua các chương trình hội chợ hàng công nghiệp nông thôn; các hội nghị kết nối cung - cầu, giao thương. “Đây là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp kết nối thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm…”- bà Minh nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông cho rằng, cần có sự phối hợp, liên kết để tạo ra chuỗi giá trị từ hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất đến hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

“Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất – tiểu thủ công nghiệp giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp để các sản phẩm CNNT tiêu biểu có đầu ra ổn định” - ông Võ Đình Vinh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận nói.

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung đánh giá, hoạt động khuyến công khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang ngày càng phát huy hiệu quả. Giữa các địa phương đã có liên kết, phối hợp trong hoạt động khuyến công. “Thời gian tới, các trung tâm khuyến công trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần tiếp tục phát huy tính liên kết. Hoạt động liên kết không chỉ là hỗ trợ đầu tư máy móc sản xuất mà còn liên kết để hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm CNNT tiêu biểu” - ông Trung nhấn mạnh.

Theo Báo Công Thương