Ngày 3-9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra tình hình thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn 2 huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn.

Trong 2 năm 2018-2019, trên địa bàn huyện Tân Sơn và Thanh Sơn đã có 9 dự án khuyến công được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất; đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải thăm, kiểm tra thực tế sản xuất của Nhà máy chế biến gỗ Tân Sơn thuộc Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Sơn, khu Bặn, xã Thu Cúc.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã đến thăm và kiểm tra thực tế ở Nhà máy chế biến gỗ Tân Sơn thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Sơn ở khu Bặn, xã Thu Cúc - doanh nghiệp mới đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng đã xuất khẩu được gần 2.000m3 sản phẩm gỗ ép ra thị trường Mỹ, Nhật, Ấn Độ; tạo việc làm cho 160 lao động với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng; Nhà máy sản xuất gỗ thanh của Công ty CP Tasa Tân Sơn ở Cụm CN Tân Phú đang được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 9/2019 sẽ vận hành sản xuất; Công ty TNHH Chế biến trà - cà phê Hồng Đức ở khu Chiềng, xã Địch Quả có công suất chế biến 50-60 tấn chè tươi/ngày; Công ty TNHH thương mại sản xuất Hà Thái ở khu Đồng Lão, xã Thục Luyện sản xuất gỗ ép có công suất thiết kế lên tới 10.000m3 sản phẩm/năm, được vận hành đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương.
 Kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 
 

Về hoạt động công tác khuyến công, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Đây là việc làm cấn thiết để thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo sức lan tỏa lớn, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên để công tác khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành Công Thương cũng như Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá lại các dự án trên tinh thần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp chế biến sâu, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh; tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu quả công tác khuyến công từ cơ sở; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng; nghiên cứu các giải pháp huy động, bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công.


Đồng thời phải tích cực tranh thủ tối đa các nguồn vốn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện; triển khai đồng thời các hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn, sản phẩm chế biến sâu, đa dạng, có sức cạnh tranh cao. Trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai hỗ trợ các dự án khuyến công giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
Đối với 2 huyện Tân Sơn, Thanh Sơn cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương./.

Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ