Với hy vọng chung tay tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn, 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công Thái Nguyên) đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động. Đặc biệtlà đã chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị, thành phố thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợdoanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) như: Triển khai thực hiện 03 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 03 tỷ đồng. Trong đó, đối với lĩnh vực hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lâm sản, Trung tâm đã hỗ trợ 01 máy ép nhiệt cho Công ty TNHH Sản xuất ván ép Thành Phú; 02 máy chà nhám cho Công ty TNHH Mừng Hằng An Bình và Công ty TNHH Thương mại Vân Huyền PLYWOOD; 02 máy chốt hộp và 02 máy cưa ripsaw cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lộc Thịnh; 01 máy ép nhiệt cho Công ty TNHH PLY WOOD Sơn Hà. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên còn hỗ trợ 01 máy tán đinh chốt cho Công ty TNHH Sông Công Sourcing; 01 máy xén thủy lực cho Công ty TNHH Kết cấu thép Hoàng Triều; 01 máy đóng gói túi lọc tam giác cho Công ty Cổ phần Nông sản Thái Nguyên; 02 máy sấy thăng hoa cho Công ty CP Khoa học sự sống; 01 máy đóng gói trà tự động, 02 máy xào gas và 01 máy đóng gói hút chân không cho Hợp tác xã Tâm Trà Thái.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến công cũng đồng bộ triển khai 19 đề án khuyến công địa phương với nhiều nội dung gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất CNNT; Hỗ trợ kinh phí đưa các sản phẩm CNNTtiêu biểu tham dự hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án tuyên truyền trên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng và Báo Thái Nguyên; Tham dự Hội nghị công tác khuyến công, Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh phía Bắc do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức… với tổng kinh phí thực hiện cho các đề án là 2,951 tỷ đồng. Mặt khác, trong công tác hoạt động tư vấn, 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã thực hiện được 20 dự án tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây lắp điện và tư vấn thẩm định, thẩm tra dự toán… với doanh thu đạt 650 triệu đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên, thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Nổi bật trong đó là các cơ sở sản xuất đã chuyển hướng sang chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để từ đó hạ giá thành, giảm số nhân công lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Trung tâm vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Điển hình như công tác khảo sát, đánh giá, tư vấn, lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi còn ít về số lượng; Quy mô các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là vừa và nhỏ, chậm đổi mới ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, phương thức sản xuất, kinh doanh, kéo theo hoạt động khuyến công còn hạn chế trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Đơn vị sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các đề án đúng mục đích, mục tiêu, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động khuyến công và thực hiện hoàn thành các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục thẩm định, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công địa phương đợt II theo đúng tiến độ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá đến các địa phương, các cơ sở CNNTvề đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến công, cũng như vai trò, vị trí phát triển CNNT; Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNTtham gia nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm do Bộ Công Thương và các tỉnh bạn tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; Đẩy mạnh công tác hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp; Huy động các nguồn lực, cũng như phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh gắn với các đề án thuộc chương trình khuyến công để tập trung nguồn lực cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Mặt khác, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên cũng sẽ tập trung hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Từ đó, tạo ra động lực cho ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ.Ngoài ra, Trung tâm cũng thắt chặt mối quan hệ giữa Đơn vị với doanh nghiệp và cơ sở CNNTnhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, để từ đó có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.

Có thể thấy, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian qua đã góp phần hết sức quan trọng trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Trung tâm rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ phía Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh trong việc tăng cường nguồn kinh phí khuyến công từ ngân sách trung ương và địa phương. Qua đó, nâng mức hỗ trợ cho một số nội dung khuyến công để hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sức lan tỏa hơn nữa đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Công nghiệp Tiêu dùng