Nhận định về việc phát huy hiệu quả Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, "đi một mình là không đủ". Đây cũng là định hướng phát triển cho chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Con số đáng ghi nhận

Sau 5 năm triển khai, Chương trình KCQG đạt nhiều kết quả khả quan, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước...
Kết quả lớn nhất chương trình đạt được là hệ thống đơn vị thực hiện chương trình đã được thiết lập ở cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đầu mối thực hiện chính sách KCQG ở địa phương.

"Nguồn lực được huy động từ ngân sách nhà nước cấp phát cho địa phương trong triển khai Chương trình KCQG xét về giá trị tuyệt đối là nhỏ so với nhu cầu, nhưng các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực lớn của lực lượng làm công tác khuyến công, mang lại sự khởi sắc cho phát triển công nghiệp địa phương" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Lồng ghép các chính sách

CNNT là cấu phần quan trọng giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tạo nên các ngành kinh tế mới có giá trị cao hơn cho sản xuất thuần túy. Mặt khác, hội nhập kinh tế đang tạo nên những tác động mạnh mẽ, bao trùm lên tất cả các ngành hàng, trong đó có CNNT. Do vậy, Chương trình KCQG với vai trò khuyến khích thúc đẩy CNNT phát triển có thêm nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ cơ sở sản xuất tiếp cận với thị trường thương mại của khu vực và toàn cầu theo kịp xu hướng hội nhập của đất nước.

Với mục tiêu đó, Chương trình KCQG sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện do nguồn lực bố trí rất hạn hẹp. Bản thân cơ sở CNNT có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế nên khó đáp ứng điều kiện cũng như tiếp cận nội dung Chương trình KCQG.

Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để phát huy hiệu quả chính sách này, Chương trình KCQG "đi một mình là không đủ", bởi trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi nội dung chính sách khuyến công phải được đồng bộ hóa với các khía cạnh khác của công tác quản lý nhà nước. Trong đó, một yêu cầu lớn là xem xét lồng ghép chính sách khuyến công với chính sách khoa học - công nghệ (KHCN), xúc tiến thương mại bởi nội hàm của 3 chương trình này đều có tính gắn kết, tương hỗ qua lại. "Nếu không có sự chung sức chia sẻ của các bộ, ngành, Chương trình KCQG sẽ bị hạn chế về hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình, Bộ Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới. Theo đó, Bộ tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng KHCN.

Đồng thời, triển khai hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là KHCN. Thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, đơn vị ở nước ngoài và đối tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của đối tác để phát triển hoạt động khuyến công.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng Chương trình KCQG giai đoạn tiếp theo trên cơ sở lồng ghép khuyến công với các chương trình khác nhằm gia tăng nguồn vốn cho triển khai chương trình.


Theo congthuong.vn