Nguồn kinh phí cho triển khai các đề án khuyến công hạn hẹp làm giảm tính hấp dẫn và không khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tham gia, thụ hưởng.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Nghệ An, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 9 văn bản chuyên ngành về hoạt động khuyến công, như: Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020, 2021-2025; Quy chế về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công…

Về kinh phí hoạt động, giai đoạn 2012-2022, địa phương đã hỗ trợ 781 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 63.054 triệu đồng. Trong đó, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với 183 đề án; 12 đề án ứng dụng chuyển giao thiết bị tiến bộ khoa học công nghệ.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Nghệ An cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh công tác tổ chức bình chọn sản phẩm từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Đến nay, sau 6 kỳ bình chọn Nghệ An đã có 245 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.

Giai đoạn 2012 – 2022, khuyến công Nghệ An đã huy động được gần 308.861 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”, thông tin nêu rõ.

Dù đã khẳng định được hiệu quả và tính cần thiết, tuy nhiên theo Sở Công Thương Nghệ An, Nghị định số 45 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của các cơ quan nhà nước phải áp dụng theo hoặc dẫn chiếu đã thay đổi cần được sửa đổi hoặc thay thế để tạo thuận lợi trong việc thực hiện.

Mặt khác, nguồn lực của chương trình khuyến công vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong đầu tư, phát triển sản xuất. Khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ để chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

Với những bất cập trên, đại diện Sở Công Thương Nghệ An đề nghị, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh nâng mức hỗ trợ một số nội dung khuyến công nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, xem xét, điều chỉnh thời gian hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trong thời gian 2 năm tính từ thời điểm đầu tư; bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể một số nội dung hỗ trợ như chuyển đổi số, xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...

Nghiên cứu trình Quốc hội xây dựng luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế trong đó có đề xuất bổ sung quy định các khoản hỗ trợ khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là khoản thu nhập được miễn thuế. Hiện nay, nguồn kinh phí khuyến công sau khi các cơ sở thụ hưởng được hỗ trợ phải kê khai đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đề nghị Cục Công Thương địa phương tham mưu Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn chi tiết cho các địa phương về quy định cụ thể Danh mục sự nghiệp công của ngành Công Thương.

Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cho tỉnh để tạo điều kiện phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn; bố trí nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất cho các tổ chức thực hiện công tác khuyến công.

Nguồn: congthuong.vn

ST: ĐXT