Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước và Nghị định số 58/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Theo đó, Nghị định gồm 06 chương, 67 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, cụ thể: (1) Quy định chung về: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; Áp dụng mức phạt tiền; (2) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; (4) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (5) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; (6) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; (7) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (8) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (9) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; (10) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; (11) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt về chi ngân sách nhà nước; (12) Vi phạm quy định, mức xử phạt về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; (13) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; (14) Điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm thi hành.
Nghị định này được áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (tổ chức được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này); (2) Người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; (3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019. Các Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước và Nghị định số 58/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Chi tiết Nghị định xem tại đây.
Nguồn: chinhphu.vn