Mặc dù dịch Covid-19 đã có dấu hiệu được kiểm soát, nhưng rất nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Theo đó, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD) cho DN vẫn là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Chị Nguyễn Lan Anh - Giám đốc kinh doanh DN chuyên phân phối hàng tiêu dùng - cho biết, mọi năm, vào thời điểm này, doanh số bán hàng của công ty tăng đến 30%, thậm chí hơn, nhưng từ năm ngoái đến nay, tình hình vô cùng khó khăn. Người tiêu dùng mua rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu; trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên vẫn phải duy trì, khiến DN lâm vào cảnh khó khăn.
Cần tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Không chỉ DN phân phối, nhiều DN sản xuất cho hay, họ chưa thoát khỏi khó khăn vì nguyên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn thiếu. Cùng với đó, các đơn hàng mới chỉ nhỏ giọt; một số DN, công nhân vẫn phải nghỉ luân phiên vì không đủ việc làm. Theo anh Đỗ Văn Thuận - Trưởng phòng sản xuất công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc đóng trên địa bàn TP. Hà Nội, DN ngừng hoạt động từ giữa năm ngoái, đến tháng 3 năm nay mới có nguyên liệu để sản xuất nhưng cũng chỉ duy trì được 1 - 2 tháng rồi lại nghỉ, không biết đến bao giờ mới có việc làm trở lại.
Kết quả điều tra 10.197 DN về tác động của dịch Covid-19 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây cho thấy, 87,2% DN được điều tra cho biết họ bị tác động rất nhiều đến hoạt động SXKD; 11% không bị ảnh hưởng và chỉ 2% cho biết có tác động tích cực. Kết quả này trùng với công bố trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 83,7% DN gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trước những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, gói hỗ trợ hiệu quả để giúp DN vượt qua khó khăn. Trong đó, nên tập trung vào các nhóm chính sách, bao gồm: Tiếp tục thực hiện và mở rộng những gói hỗ trợ đã ban hành theo một tiêu chí về đối tượng được nhận hỗ trợ, thời gian và mức hỗ trợ theo Nghị quyết 41/2020/NQ-CP và Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ. Xem xét giảm thuế thu nhập DN đến hết năm 2021, áp dụng cho tất cả các DN với mức khác nhau phân theo doanh thu, ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Miễn, giảm phí, thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2021, tiếp tục thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận vốn vay từ tổ chức tín dụng; xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho DN với lãi suất vay bằng 0% hoặc lãi suất ưu đãi; cần có chính sách hiệu quả để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, thị trường tiêu thụ, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, kết nối DN.

Đặc biệt, cần hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin xuất, nhập khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế; đẩy mạnh các chính sách kích cầu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước và xuất khẩu… Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng DN cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất. Từ đó, khai thác tối đa những tiềm năng của DN và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

Quý I/2021, cả nước có 40.323 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường.

 

Theo Báo công Thương