Từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều doanh nghiệp, làng nghề tỉnh Thanh Hóa đã được hỗ trợ kịp thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.

Năm 2019, Chương trình khuyến công Thanh Hóa đã hỗ trợ Công ty CP Công nghiệp Gỗ Trường Sơn tại huyện Như Xuân xây dựng và tổ chức thành công mô hình trình diễn kỹ thuật “Sản xuất gỗ ván ép tiêu chuẩn CARB P2 phục vụ thị trường xuất khẩu” với tổng mức đầu từ 12,2 tỷ đồng. Doanh thu năm thực hiện dự án đạt gần 34 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động.

Mô hình tại Công ty CP Công nghiệp Gỗ Trường Sơn là một trong nhiều mô hình thành công nhờ thụ hưởng nguồn vốn khuyến công thời gian qua. Nhằm thúc đẩy phát triển, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, những năm qua, ngành Công Thương Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Riêng trong năm 2021, Chương trình Khuyến công quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại tỉnh với mức kinh phí được giao 1.350 triệu đồng. Chương trình triển khai 4 đề án, gồm hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến lâm sản cho 2 đơn vị; hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho 1 đơn vị; hỗ trợ dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ trong sản xuất sản phẩm phân bón hữu cơ cho 1 đơn vị.

Bên cạnh đó, Chương trình khuyến công địa phương cũng được triển khai cho 8 đề án với tổng kinh phí thực hiện 1.472 triệu đồng, gồm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 7 đơn vị và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 1 phiên Hội chợ hàng Công nghiệp - Thương mại tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các sở, ngành, việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại địa phương đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nhất là ở thời điểm điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay. Nguồn kinh phí khuyến công tuy còn khiêm tốn song chính sự quan tâm, song hành của cơ chế, chính sách nhà nước đã tạo động lực giúp cho các cơ sở CNNT thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển sản xuất.

Những nội dung của hoạt động khuyến công được triển khai trong thời gian qua tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đặc biệt là chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã xuất khẩu tại Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc.

Ngành nghề được hỗ trợ kinh phí khuyến công đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, đáp ứng tốt phương châm “ly nông không ly hương”, xóa đói, giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Năm 2022, ngành Công Thương Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch đã đăng ký, với tổng kinh phí khuyến công dự kiến 5.427 triệu đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ tham gia hội chợ trong nước, xây dựng các phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn... Góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Theo Báo Công Thương