Với những nỗ lực bám sát và xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, khuyến công Lai Châu đã đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoàn thành nhiều đề án đạt hiệu quả cao.

Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn nhất thuộc khu vực miền núi phía Bắc, ngành CNNT chậm phát triển với số lượng cơ sở sản xuất ít ỏi, thủ công, manh mún. Cải thiện tình trạng này, những năm qua, Lai Châu quan tâm và dành nguồn kinh phí thực hiện chương trình khuyến công, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của người lao động, nhất là lao động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.

Năm 2019, nguồn kinh phí khuyến công bao gồm cả khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia cho triển khai các chương trình, đề án. Đến nay, nhiều đề án đã được hoàn thành và bắt đầu đi vào vận hành ổn định. Cụ thể, Đề án "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung" do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lai Châu và Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư phát triển Bảo Dương (xã Mường Than, huyện Than Uyên) phối hợp thực hiện. Đề án có tổng kinh phí thực hiện hơn 5 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 400 triệu đồng cho hạng mục đầu tư thiết bị sản xuất. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới có nhiều tính năng ưu việt: Độ tự động hóa cao; sử dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương; hình dáng, kích thước và giá thành sản phẩm tương tự gạch đất sét nung truyền thống, do đó không làm thay đổi tập quán sử dụng của người dân; chi phí đầu tư thấp, thân thiện với môi trường… Tương tự, Đề án "Hỗ trợ sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chạm khắc gỗ" thực hiện tại hộ kinh doanh Trúc Suy (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Được sự trợ sức từ nguồn kinh phí khuyến công, hộ kinh doanh đã đầu tư máy khắc CNC. Thiết bị này có thể đục các chi tiết phức tạp, cho ra sản phẩm đồng đều, độ chính xác cao. Sau thời gian vận hành thử, hệ thống thiết bị mới đã hoạt động ổn định, giúp tăng đáng kể năng suất, tạo thêm việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài các đề án khuyến công, từ đầu năm tới nay, trung tâm cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho khu vực nông thôn, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin, vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm…

Theo đại diện Sở Công Thương Lai Châu, tỉnh đã rất nỗ lực triển khai các chương trình, đề án tạo lực đẩy cho ngành CNNT của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn kinh phí, số lượng cơ sở đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ rất ít… đã ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình khuyến công, thậm chí một số nội dung còn chưa triển khai được. Để tháo gỡ một phần khó khăn trên, tỉnh sẽ kết hợp chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu khác nhằm huy động thêm nguồn vốn thực hiện. Bám sát các địa phương, tìm kiếm, hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng đề án và hưởng thụ chính sách khuyến công... Trung tâm cũng sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2018; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức gian hàng tham gia Hội chợ Triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc tại Phú Thọ; phối hợp tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2018 trình các cấp có thẩm quyền.

BBTKC