Bằng cách triển khai các nội dung hỗ trợ một cách hệ thống từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ, khuyến công Hà Giang đang là chỗ dựa đáng kể cho ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển.

Cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp

Số liệu từ Sở Công Thương Hà Giang cho thấy, 5 năm vừa qua (2014-2018) Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến Công Thương tỉnh (trung tâm) đã thực hiện 117 nội dung, tổng kinh phí 11,064 tỷ đồng. Với định hướng ưu tiên cho các doanh  nghiệp, cơ sở trực tiếp sản xuất, khuyến công Hà Giang đã dành phần lớn nguồn kinh phí thực hiện các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Cụ thể, trong 5 năm vừa qua, trung tâm đã thực hiện thành công 11 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí 2,031 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 6 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè và 5 cơ sở xây dựng mô hình sản xuất, chế biến gia công cơ khí, viên gỗ nén, ván thanh… trên địa bàn các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì…

Đối với nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, trung tâm cũng đã hỗ trợ thực hiện 61 đề án, kinh phí 5,9695 tỷ đồng. Trong đó có 27 cơ sở chế biến chè, 3 cơ sở sản xuất ván bóc, 3 cơ sở sản xuất gạch không nung…

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Giang, các mô hình sau khi được hỗ trợ triển khai đã đi vào hoạt động ổn định, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, giảm bớt được các khâu lao động nặng nhọc của người lao động, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Quan trọng hơn, sự đồng hành của chương trình khuyến công giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn hơn trong tiếp cận công nghệ, nguồn vốn, từ đó chủ động tiếp cận thị trường, không phụ thuộc vào sự trợ giúp của nhà nước.

Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp về sản xuất cho các  doanh nghiệp, cơ sở CNNT, những năm qua khuyến công Hà Giang cũng thực hiện nhiều hoạt động khác trợ sức cho phát triển ngành CNNT của tỉnh. Theo đó, trung tâm đã thực hiện 7 đề án tham gia hội chợ triển lãm, đăng ký 9 thương hiệu sản phẩm CNNT, tư vấn nhãn mác bao bì cho 14 sản phẩm…

Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Hà Giang cũng cho rằng, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng do là tỉnh miền núi, cơ sở sản xuất CNNT phần lớn có quy mô hộ gia đình, năng lực tài chính, quản lý, thậm chí cả nhận thức về định hướng phát triển rất hạn chế. Do vậy, khuyến công Hà Giang khó triển khai các đề án lớn, tạo sự thay đổi rõ nét trong một lĩnh vực, sự thay đổi của ngành CNNT tuy vẫn theo hướng tích cực nhưng chưa đủ mạnh mẽ.

Kết hợp với đó, định mức hỗ trợ cho mỗi đề án khuyến công theo quy định còn thấp, chưa khuyến khích được cơ sở CNNT tham gia và đầu tư vốn cho sản xuất. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công của tỉnh còn thiếu, khiến công tác khảo sát nhu cầu hỗ trợ chậm và không sát thực tế.

Tập trung cho ngành nghề thế mạnh

Khuyến công được ngành Công Thương Hà Giang định vị sẽ là động lực chính thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển. Hiện thực hóa định hướng này, Sở Công Thương Hà Giang đã xây dựng những mục tiêu và giải pháp rất cụ thể.

Theo đó, trên nguyên tắc ưu tiên cho các ngành nghề thế mạnh, đến năm 2020 khuyến công Hà Giang sẽ hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới, trong đó dự kiến sẽ ưu tiên cho sản xuất chế biến chè, thảo quả, dược liệu. Hỗ trợ 19 cơ sở CNNT đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến lâm nghiệp, dược liệu, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ.

Cùng đó, hỗ trợ 10 cơ sở về tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Chè, thảo quả, dược liệu, mật ong…; hỗ trợ 15 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước …

Về giải pháp thực hiện, Sở Công Thương sẽ bố trí tối thiểu 1 cán bộ chuyên trách về công tác khuyến công ở cấp huyện, thành phố kể cả khuyến công viên cấp xã. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến công, đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn.

Lồng ghép khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm huy động thêm nguồn vốn cho chương trình khuyến công. Nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương để xây dựng các đề án điểm nhằm phát huy thế mạnh, đồng thời tạo điểm nhấn của công tác khuyến công trong 1 ngành nghề, lĩnh vực. Kết hợp đầu tư hỗ trợ theo chiều sâu đối với những nội dung hỗ trợ có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tiến tới đưa các sản phẩm này vào các siêu thị lớn.

Để đạt những mục tiêu đã đề ra, Sở Công Thương Hà Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia giúp tỉnh thực hiện đề án và xóa vùng trắng công nghiệp, đồng thời thúc đẩy CNNT của Hà Giang ngày một phát triển.

 

TBT.KConline