Thời gian qua, hoạt động khuyến công tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả, đã tiếp sức, thúc đẩy cho các cơ sở CNNT khôi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Hoạt động khuyến công tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, các chương trình, đề án khuyến công đã thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở CNNT, sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng hoạt động rất có hiệu quả, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương.

Kể từ đầu quý III năm 2021, tỉnh Bình Định bắt đầu ghi nhận liên tiếp các trường hợp mắc Covid-19 với số người lây nhiễm tăng nhanh, các biện pháp ưu tiên cho phòng, chống dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong vùng dịch nguy cơ cao.

Nhiều doanh nghiệp nằm trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp thiếu hụt lao động do lượng công nhân nằm trong địa bàn cách ly, khó khăn trong di chuyển nên công suất nhà máy sụt giảm. Việc lưu thông nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn(CNNT) đang hoạt động ngưng trệ, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế và Kinh tế - Hạ tầng các địa phương hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng các đề án khuyến công phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở, đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.

Công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022. Bình Định có 15 sản phẩm tiêu biểu được vinh danh
Công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022. tỉnh Bình Định có 15 sản phẩm tiêu biểu được vinh danh
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thực hiện 28 chương trình đề án khuyến công với tổng kinh phí  khuyến công hỗ trợ 4.452 triệu đồng, trong đó có 24 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Mặc dù trong thời gian qua tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng các cơ sở CNNT vẫn quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị và đưa vào hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để kịp thời hỗ trợ kinh phí khuyến công, giúp cho cơ sở CNNT vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay đồng thời vẫn đảm bảo trong công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương đã kịp thời điều chỉnh phương thức nghiệm thu bằng hình thức trực tuyến cho phù  hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Năm 2022, tổng kinh phí khuyến công quốc gia(KCQG) và khuyến công địa phương(KCĐP) được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hỗ trợ 5.220 triệu đồng/29 chương trình, đề án; so với năm 2021, tổng kinh phí tăng 768 triệu đồng, tương ứng tăng 17,3%.

Trong đó, KCQG 2.200 triệu đồng/02 đề án nhóm,  KCĐP 3.020 triệu đồng/27 chương trình, đề án. Đến nay đã nghiệm thu 06 đề án, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2022 trong tháng 10/2022.

Từ nguồn khuyến công quốc gia năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Tổng hợp Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt cụm máy móc thiết bị chế biến gỗ công suất 1.800 m3 gỗnăm với vốn đầu tư 609 triệu đồng.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến sự phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khuyến khích và phát huy các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo định hướng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách đáng kể.

Sau khi đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thì sản phẩm đã được cải tiến, chất lượng, mẫu mã được nâng cao. Nhiều sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, sản phẩm OCOP, các cơ sở CNNT nâng cao được năng lực quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển một cách bền vững.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết: “Hoạt động khuyến công tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã tiếp sức, thúc đẩy cho các cơ sở CNNT khôi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Đồng thời, thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy CNNT phát triển, các chương trình, đề án khuyến công đã thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở CNNT, sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng hoạt động rất có hiệu quả, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương”.

Các cơ sở CNNT được hỗ trợ vốn khuyến công đã phát huy được vốn hỗ trợ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bình Định tin tưởng rằng hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình từ nguồn kinh phí địa phương, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn kinh phí trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng làm cầu nối và tiếp sức, thúc đẩy CNNT phát triển mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX và Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: congthuong.vn