Ngày 7.7.2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; trong đó yêu cầu Bộ Công thương “triển khai các nhiệm vụ khuyến công để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề”. Trên thực tế, khuyến công đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của làng nghề nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, vốn khuyến công đang trở thành bạn đồng hành với làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển.

Các làng nghề ngày càng chuyên môn hóa

Theo Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, tính đến ngày 30.6.2021 cả nước có trên 2.900 làng nghề và làng có nghề, 1.288 làng nghề đã được công nhận. Số lượng làng nghề chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, trong đó Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận nhiều nhất với 302 làng, tiếp đến là tỉnh Thái Bình 247 làng, Thái Nguyên 236 làng, Nghệ An 150 làng... Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng hơn 49.000 tỷ đồng; tổng vốn và tài sản hơn 1.700 tỷ đồng; số lượng lao động tham gia sản xuất kinh doanh là trên 988.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 3,63 triệu đồng/người/tháng…

Hiện, các làng nghề có xu hướng chuyển sang mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, quy mô sản xuất làng nghề còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới. Nhiều làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm. Do thu nhập nghề thấp, bấp bênh nên lao động trong các làng nghề chuyển dịch mạnh từ nông thôn ra các đô thị lớn tìm việc làm, hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Vì thế, công tác nhân cấy, truyền nghề không được phát triển tốt, dẫn tới số lượng nghệ nhân, thợ nghề giỏi ở các làng nghề dần bị mai một. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đang bị xuống cấp, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát…

Khuyến khích phát triển sản phẩm mới

Dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế song không thể phủ nhận thời gian qua làng nghề đã có nhiều nỗ lực vươn lên, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều làng nghề đã ứng dụng công nghệ máy móc tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thông qua các sàn thương mại điện tử như sản phẩm gốm Bát Tràng (Hà Nội), thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ)… Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các cơ sở làng nghề, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, không thể thiếu vai trò của chương trình khuyến công. “Công tác khuyến công đã trở thành người bạn đồng hành của các làng nghề”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhìn nhận.

Minh chứng cho điều này, ông Dần cho biết, 5 năm gần đây, được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức 15 cuộc hội thảo tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; đào tạo khởi sự doanh nghiệp; đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi. Các khóa đào tạo đã định hướng về xu thế phát triển của nghề thủ công truyền thống tại các làng nghề, tăng tính hiện đại và hội nhập xu hướng cho sản phẩm. Đáng lưu ý, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại làng nghề biết và tham gia thụ hưởng để đổi mới hoạt động.

Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định 801). Một trong những giải pháp được Chính phủ đặt ra là Bộ Công thương “triển khai các nhiệm vụ khuyến công để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề”. Làng nghề đang đứng trước những cơ hội để phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.

Để thúc đẩy làng nghề phát triển, Cục Công thương địa phương đề xuất một loạt giải pháp. Cụ thể, lồng ghép các chính sách hỗ trợ làng nghề với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm ưu tiên đầu tư mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các làng nghề nằm trong danh mục cần được bảo tồn, các làng nghề đã được công nhận. Với các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập, bền vững, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu nhưng có thu hồi vốn đầu tư theo quy mô đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại làng nghề.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Thực hiện cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Xây dựng bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.

Cùng với đó, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thiết kế mẫu mã sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại làng nghề. Ngành công thương cũng sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản; khuyến khích và đầu tư hỗ trợ cho các nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới trong các làng nghề.

Theo các chuyên gia, để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 801, giải pháp quan trọng là cần bảo đảm nguồn vốn khuyến công được phân bổ kịp thời, gắn với công tác kiểm tra, giám sát thực hiện. Cùng với đó, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển làng nghề gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sản xuất tập trung nhằm từng bước hiện đại hóa sản xuất, thu hút các cơ sở sản xuất di dời từ làng nghề vào cụm công nghiệp để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường;...

Cho rằng du lịch cũng là yếu tố quan trọng để khu vực làng nghề phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề xuất Bộ Công thương cùng các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho du lịch làng nghề phát triển hơn nữa. Đồng thời, Bộ Công thương cần tổ chức liên hoan cũng như các cuộc thi tinh hoa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hay tinh hoa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bộ cần xem xét tổ chức xét, công nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, thợ giỏi nhằm phát huy ảnh hưởng đối với sản xuất và hướng phát triển của các làng nghề.

Quyết định số 801/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỷ USD; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường…

Mục tiêu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD…

Theo Báo Mới