Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2021, hơn 80% số doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (CDVCTT) của Bộ Công Thương.

Tiện lợi cho doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, Cục CT&BVNTD đã tiếp nhận và xử lý 89 hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong 89 hồ sơ nêu trên, đơn vị đã ra thông báo kết quả đăng ký đối với 65 hồ sơ của doanh nghiệp đảm bảo đúng thời hạn và trình tự thủ tục theo quy định. Trong đó, 51 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 78%) được trả kết quả sớm hơn thời hạn quy định, đảm bảo mục tiêu chất lượng về giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 mà đơn vị đã đề ra.

Đáng chú ý, số lượng hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được Cục CT&BVNTD xử lý và trả kết quả sớm hơn thời hạn quy định đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (từ 67% lên 78%). Kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ của lãnh đạo đơn vị và đội ngũ cán bộ phụ trách công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung bằng việc rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.

Một điểm tích cực nữa, đối với phương thức đăng ký, trong 6 tháng đầu năm, có hơn 80% số doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung qua CDVCTT của Bộ Công Thương. Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tiếp tại đơn vị chỉ chiếm khoảng 10%, gần 10% còn lại được nộp qua bưu điện hoặc thư điện tử.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục CT&BVNTD - đánh giá: Việc nộp và trả kết quả hồ sơ thông qua CDVCTT (cấp độ 4) đã giúp doanh nghiệp rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu về thời gian kinh doanh của doanh nghiệp.

Thống kê của Cục CT&BVNTD cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, số hồ sơ đăng ký trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng cao nhất với 69%, viễn thông và truyền hình trả tiền 28%, các lĩnh vực khác chỉ khoảng 3%; trong đó, lĩnh vực vận chuyển hành khách đường sắt và đường hàng không không phát sinh hồ sơ đăng ký.

Việc đăng ký hồ sơ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch tại Bộ Công Thương thời gian qua đã được các doanh nghiệp chú trọng, tuy nhiên, tính tuân thủ pháp luật chung còn chưa cao. Cụ thể, trong tổng số 89 hồ sơ đã nộp, tỷ lệ các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng 20% và đang có xu hướng giảm dần so với các năm trước (hơn 30% vào năm 2020 và hơn 50% vào năm 2019); số còn lại là các hồ sơ cần sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, “doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong nhận thức đúng, đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tăng cường kỹ năng soạn thảo hợp đồng của đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp” - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay./.

Nguồn: Báo Công Thương