Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp tỉnh Nghệ An tăng trưởng khá ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm trong đó hoạt động khuyến công sau nhiều năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về hoạt động khuyến công thì đây là thời điểm phù hợp để triển khai đánh giá lại các nội dung, chương trình của hoạt động khuyến công. Theo đánh giá chung trong những năm qua, sản xuất công nghiệp tỉnh Nghệ An tăng trưởng khá ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm trong đó hoạt động khuyến công sau nhiều năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT); góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chương trình khuyến công được triển khai ngày càng nhiều nội dung với mục tiêu tạo thuận lợi và giúp cơ sở CNNT chủ động được nguồn lao động có chất lượng trong sản xuất, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm hao tổn nguyên liệu, nhiên liệu, từ đó nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp. Giai đoạn 2012-2022, Chương trình khuyến công tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 300.000 triệu đồng từ các cơ sở CNNT tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 27 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 15.155 triệu đồng, khuyến công tỉnh triển khai thực hiện 754 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 47.899 triệu đồng.

Thực tế, các nội dung hoạt động khuyến công đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy, động viên, khuyến khích và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển  công nghiệp nông thôn như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp các cơ sở CNNT đầu tư đúng hướng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng nhanh chóng phát huy hiệu quả, đầu tư đã đi vào chiều sâu, nếu trước đây chủ yếu chỉ sơ chế hoặc sản xuất nguyên liệu thô thì dần dần đã chuyển sang chế biến sâu để cho ra các sản phẩm có chất lượng góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Qua nhìn nhận cho thấy các hoạt động khuyến công hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, đồng bộ phải áp dụng hoặc dẫn chiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã thay đổi nhưng chưa đồng bộ, cần được sửa đổi hoặc thay thế kịp thời; Hoạt động khuyến công đa dạng, phong phú, tuy nhiên có một số nội dung khó triển khai sâu rộng; còn thiếu vai trò thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp nông thôn phát triển (như hỗ trợ công dụng cụ sản xuất đối với cơ sở ở làng nghề); tổ chức gian hàng tham gia hội chợ triển lãm của các tổ chức quản lý, thực hiện dịch vụ phát triển TTCN; Công tác tuyên truyền chính sách khuyến công chưa sâu rộng, chủ yếu được phổ biến đến cấp huyện, ngành và các phường, xã, cơ sở sản xuất ở các huyện đồng bằng. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng công tác tuyên truyền. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho hoạt động khuyến công; Định mức hỗ trợ khuyến công chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong đầu tư, phát triển sản xuất. Kinh phí hỗ trợ để chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của khuyến công; Cơ chế quản lý, quyết toán kinh phí khuyến công còn phức tạp; định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công ở một số nội dung còn thấp, thiếu hấp dẫn, khó khăn cho quá trình triển khai. Một số huyện chưa bố trí ổn định cán bộ theo dõi về khuyến công, chưa được phụ cấp kinh phí hoạt động. Có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế triển khai, hoặc thiếu cơ sở để vận dụng do đó nên chăng cần có sự đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nội dung nào thiết thực, gắn với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp nhưng cần phải có sự điều chỉnh phù hợp thì cho cơ chế mới, những nội dung phù hợp với xu thế hiện nay thì bổ sung.

Hiện nay công tác chuyển đổi số Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân; chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Thực hiện nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 05/8/2022 của ban chấp hành đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh nghệ an đến 2025. Nhưng hiện nay việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức hỗ trợ chuyển đổi số chưa có quy định trong các văn bản hoạt động khuyến công, bên cạnh đó các hoạt động tư vấn khuyến công như việc trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc: Lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước và các hoạt động khác chưa mạng lại hiệu quả trong hoạt động khuyến công.

Ngoài ra, vận dụng nhiều nội dung và chương trình để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; chủ động bố trí nguồn quỹ KCĐP; xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm đúng thời hạn, có chất lượng tốt; tổ chức thực hiện các đề án điểm có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương; Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác trong đó có các hoạt động khuyến công;Rà soát, hoàn thiện các văn bản về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương; Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, năng nổ của cán bộ làm công tác khuyến công tìm kiếm, cập nhật, lựa chọn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mới, doanh nghiệp đầu ngành, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm chất lượng để hỗ trợ để phát huy hết vai trò của các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân./.

Nguồn: https://congthuong.nghean.gov.vn/

ST: ĐXT