Phải tạm dừng hoạt động, hàng hóa tồn kho không tiêu thụ được, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh tắc nghẽn, thiếu vốn sản xuất… Đó là những khó khăn các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, mong muốn được các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương tiếp sức để ổn định hoạt động, từng bước khôi phục sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa trong trạng thái bình thường mới.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 33 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 42 HTX thương mại dịch vụ, 13 HTX giao thông vận tải, 13 HTX điện năng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, dệt thổ cẩm phải ngừng sản xuất kinh doanh (SXKD), sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ hầu như không có nguồn thu do du lịch gần như bị đóng băng. HTX giao thông vận tải hoạt động hạn chế, chỉ duy trì khoảng 30% lượng phương tiện; có đơn vị thu không đủ bù chi do đang vay vốn ngân hàng và phát sinh thêm phí xét nghiệm thường xuyên đối với lái xe.

Anh Nguyễn Minh Thiên, Giám đốc HTX Đình Lâm (TP Hòa Bình) chia sẻ: HTX chúng tôi chuyên sản xuất gạch bê tông, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của HTX. Hàng hóa không bán được, tồn kho rất nhiều, buộc HTX phải dừng sản xuất, lao động không có việc làm, đời sống khó khăn. HTX không trả được nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. HTX đã làm đơn xin giãn nợ, gia hạn thêm 1 năm để tiêu thụ hàng hóa.

Ông Ngô Văn Trình, Giám đốc HTX chuyên chở hành khách dịch vụ và du lịch Thái Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát gây nhiều khó khăn đối với HTX. Hoạt động du lịch bị đóng băng, 37 thành viên HTX không có bất cứ nguồn thu nào, trong khi đa số phải vay vốn ngân hàng để đóng tàu nên rất khó trả gốc, lãi ngân hàng khi đến hạn. Hiện, hoạt động du lịch đã mở lại, song số lượng khách cũng rất ít. Thành viên HTX mong muốn được các cấp, ngành có chính sách giản nợ, giảm thuế, hỗ trợ HTX vay vốn để HTX vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động SXKD của HTX phi nông nghiệp, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại chính sách phát triển HTX phi nông nghiệp. Tại hội nghị đối thoại, các sở, ngành liên quan đã giải đáp ý kiến của các HTX về việc xử lý những khoảng lỗ, khoản nợ do dịch Covid-19; kinh phí hỗ trợ, điều kiện, hồ sơ thành lập HTX trong năm 2021; chính sách ưu đãi vay vốn; chính sách ưu đãi thuế…

Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây được xem là nghị quyết mở đường để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Mục tiêu của nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển SXKD của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động SXKD, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đề xuất các cấp, ngành xem xét, hỗ trợ các khoản vay, hỗ trợ đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại HTX. Ngoài ra, các HTX phi nông nghiệp cần đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, giao dịch thương mại. Từ đó, giúp HTX phi nông nghiệp thích ứng với điều kiện kinh doanh qua môi trường mạng, từng bước khôi phục SXKD, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.

Theo Báo Hòa Bình