Được sự hỗ trơ tích cực của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương đã chủ động áp dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Tiến Lĩnh quê ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, từng học ngành thiết kế đồ họa và làm quen với công việc này vài năm tại TP.Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, anh Lĩnh quyết định về quê, làm chủ công việc thông qua thành lập Công ty TNHH SX-XD-TM Đại Lâm Mộc tại phường 4, TP.Tân An (Long An). Theo anh Lĩnh, trước đây, sản phẩm điêu khắc ít chất liệu, kiểu dáng nhưng thời gian gần đây, sản phẩm điêu khắc khá đa dạng, từ gỗ, mica, alu, nhựa... dùng cho việc trang trí, sự kiện, đám tiệc.

Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị

Anh Lĩnh chia sẻ, thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên các sự kiện, nhất là tiệc cưới diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, sản phẩm điêu khắc phục vụ sự kiện, tiệc do Công ty sản xuất được tiêu thụ khá nhiều, đôi lúc không kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo đó, để hỗ trợ công ty phát triển ổn định, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Long An (TTKC) đã tìm hiểu quá trình hoạt động, quy trình sản xuất cũng như nhu cầu khách hàng về sản phẩm. Qua đó, quyết định dùng nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Công ty thông qua thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ”. Đề án được xây dựng với kinh phí gần 200 triệu đồng, giúp Công ty mua 1 máy khắc tự động hỗ trợ cho công việc. Thực hiện đề án trên, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Công ty 94 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp.
Anh Lĩnh chia sẻ thêm, trước đây, Công ty có 1 máy khắc, nay được hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy khắc mới giúp việc sản xuất đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Sản phẩm làm ra từ máy khắc tự động có chất lượng đồng đều, giảm hao hụt so với làm thủ công, giúp Công ty giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt hơn, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công như nguồn gió mới “trợ lực” thêm cho doanh nghiệp sức mạnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công giúp cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao chất lượng sản phẩm

Giống như Công ty Đại Lâm Mộc, sau dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của hộ kinh doanh Phạm Văn Chính, ngụ ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, khởi sắc hơn. Ông Phạm Văn Chính - chủ hộ kinh doanh, cho biết, hiện nay, đơn đặt hàng bình ổn trở lại. Khách hàng ngày càng có yêu cầu cao về mẫu mã hàng hóa, nhất là đồ trang trí nội thất có chạm trổ. Trong khi đó, lao động phục vụ nghề mộc chạm khắc ngày càng khan hiếm, ít người theo nghề. Việc đầu tư máy khắc tự động là nhu cầu tất yếu, giúp cơ sở rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, hạn chế lỗi. Để khuyến khích cơ sở ứng dụng trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, TTKC phối hợp cơ sở xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ” bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Tổng kinh phí thực hiện đề án 208 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 98 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ hộ kinh doanh.
Giám đốc TTKC - Phạm Văn Hường cho rằng, hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia sâu vào chuỗi phân phối sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các cơ sở này còn tham gia đào tạo, truyền nghề cũng như tạo việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động với mức thu nhập ổn định. Việc hỗ trợ kinh phí để các cơ sở này đầu tư trang thiết bị là tất yếu, mở rộng đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Những hoạt động hỗ trợ thiết thực của TTKC tỉnh Long An thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng trong thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn địa phương, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, mà còn đóng góp không nhỏ vào phong trào thi đua yêu nước của ngành Công Thương trong năm 2020.

 

Theo Báo Công Thương