Trong 1.350 làng nghề và làng có nghề ở Hà Nội, số làng nghề thủ công mỹ nghệ với các nhóm nghề chính như: Sơn mài, khảm trai, mây tre, gốm sứ, thêu ren... chiếm số lượng lớn. Đây là một trong những thế mạnh để Hà Nội phát triển du lịch.

Làng nghề chuyển mình
Ý thức được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu, một số làng nghề truyền thống đã được UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Điển hình như UBND quận Hà Đông đã tổ chức gắn thương hiệu lên sản phẩm lụa Vạn Phúc tại Hội làng nghề; đồng thời vận động 5 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tham gia nghiên cứu, sản xuất theo bộ thiết kế logo sản phẩm quà tặng làng nghề lụa Vạn Phúc.
Huyện Thường Tín cũng xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và thêu Thường Tín bằng nguồn kinh phí thành phố; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chăn, ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong) bằng nguồn kinh phí của huyện...
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện nhiều làng nghề nhận xét, từ khi có thương

                                                                                                                                                                                Làng lụa Vạn Phúc

hiệu trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, đời sống người lao động cũng được nâng cao.
Điển hình tại Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, những năm gần đây thường xuyên có trên 85% số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh tơ lụa, và trở thành một trong những làng nghề phát triển mạnh nhất của Hà Nội.
Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - cho biết, các hộ dân ở đây đã quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực đổi mới mẫu mã. Bên cạnh mẫu hoa văn truyền thống, nhiều hộ dân tự nghiên cứu, thiết kế những mẫu họa tiết mới, hợp thời trang, để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút du khách.
Tuy nhiên, do hầu hết làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu nên việc đăng ký bảo hộ thương hiệu không được chú trọng. Điều này giải thích tại sao, ít làng nghề của Hà Nội được biết đến rộng rãi. Thậm chí, nhiều sản phẩm của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) bán giá thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hay La Xuyên (Nam Định)… Nguyên nhân không phải do chất lượng mà xuất phát từ sự thua kém về thương hiệu.
Tiếp tục hỗ trợ 8 làng nghề
Để hỗ trợ các DN, làng nghề, thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ DN trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu: Từ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu… cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của DN, sản phẩm.
 

Làng nghề miến dong Cự Đà

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu cho 30 làng nghề; đầu tư, đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất 34 DN, cơ sở công nghiệp nông thôn. Hàng năm, thành phố đều tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như: Cấy nghề, đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn, thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ… và đạt được hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ khoảng 480 cơ sở, DN sản xuất, nghệ nhân tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài. Qua đó, tạo nhiều cơ hội cho DN, cơ sở sản xuất đa dạng hóa mẫu mã, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Trong năm 2020, UBND TP. Hà Nội tiếp tục phê duyệt 8 làng nghề được hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, bao gồm: Làng nghề mộc điêu khắc thôn Phụ Chính, xã Phụ Chính, huyện Chương Mỹ; Làng nghề làm lược Sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín; Làng nghề đồ mộc dân dụng thôn Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín; Làng nghề truyền thống Đậu Chài Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh; Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức; Làng nghề sản xuất Bún thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa; Làng nghề bánh cuốn Thanh Lương, xã Bích Hòa; Làng nghề Miến dong thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND các huyện có làng nghề được hỗ trợ kinh phí và đại diện làng nghề: Rà soát hồ sơ, xác định nội dung kinh phí hỗ trợ cụ thể; thực hiện xây dựng, duy trì, quản lý và phát triển thương hiệu làng nghề sau khi được thành phố quyết định hỗ trợ kinh phí, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định...
Mức kinh phí hỗ trợ tối đa những làng nghề được phê duyệt trong năm 2020 không quá 100 triệu đồng/nội dung; 1 làng nghề được hỗ trợ tối đa 5 nội dung và hỗ trợ trực tiếp thông qua đại diện của làng nghề được thụ hưởng.


Theo: Congthuong.vn