Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn chú trọng phát triển các doanh nghiệp (DN), ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương tỉnh Gia Lai) (TTKC) đã triển khai, thực hiện các chương trình khuyến công, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cho DN và người lao động.

Theo đại diện TTKC tỉnh Gia Lai cho biết: Xét thấy, việc các sản phẩm nông sản đang là những lợi thế phát triển kinh tế địa phương, các DN sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn rất cần sự hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, dần thay thế phương thức sản xuất lỗi thời, nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Do vậy, TTKC đã khảo sát, tư vấn và xây dựng đề án hỗ trợ các DN sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với DN và người tiêu dùng.

Là một DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một điển hình. Công ty được thành lập từ tháng 3/2012 đến nay, chuyên sản xuất, chế biến các loại rau, củ, quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi thành lập các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sản xuất theo phương thức thủ công, truyền thống, nên các sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đòi hỏi chính DN cần phải nghiên cứu đầu tư, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển bền vững của DN.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - đại diện Công ty Hương Đất An Phú cho biết: Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 vừa qua, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn do bị gián đoạn của thị trường thì đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, hoạt động kinh doanh thay đổi và đa dạng như bán hàng online, trên các sàn thương mại điện tử, do vậy, DN gặp khó khăn về vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cho nên, rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Năm 2022, Công ty đã được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện đề án khuyến công hỗ trợ đầu tư mua sắm máy chế biến bảo quản thực phẩm, đồ uống từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia. Thiết bị đầu tư là máy đóng gói tự động có công suất 40 - 120 gói/phút. Nông sản sau khi thu hoạch được phân loại, làm sạch và loại bỏ các tạp chất trong quá trình thu hoạch, đưa qua hệ thống máy rửa rau củ quả công nghiệp sục ozone, đóng gói tự động đưa ra thị trường. Tổng kinh phí là 610 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng.

Có thể thấy, việc đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản tại Gia Lai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa nông thôn, giải quyết việc làm nâng cao đời sống cho người lao động. Đồng thời, giúp các DN trên địa bàn phát triển mạnh và bền vững, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Công nghiệp Tiêu dùng