Các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) điểm được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) triển khai đã cho thấy rõ hiệu quả lên một số ngành nghề.

Ngay sau khi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai các đề án KCQG điểm, Trung tâm 1 đã nhanh chóng thực hiện công tác khảo sát, đánh giá, lập và thực hiện các đề án. Ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản và chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa được “chọn mặt gửi vàng” là đối tượng được hỗ trợ triển khai đề án KCQG điểm.

Trong năm 2021, các đề án KCQG điểm chủ yếu được Trung tâm 1 tập trung vào 2 nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Trong đó, ngành dệt may có 9 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được thụ hưởng; ngành cơ khí có 15 cơ sở; ngành chế biến nông sản có 13 cơ sở và ngành chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa có 15 cơ sở CNNT được thụ hưởng.

Theo đánh giá chung từ Trung tâm 1, bên cạnh tác động làm thay đổi năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các đề án KCQG điểm còn được ghi nhận đưa cơ sở CNNT tới gần hơn với quá trình “chuyển đổi số” trong sản xuất, kinh doanh - điều mà rất khó thực hiện với các hỗ trợ riêng lẻ. Kết hợp với các đề án hỗ trợ khác, Trung tâm 1 đã giúp nhiều cơ sở CNNT tiếp cận gần hơn những công cụ quản lý hiện đại như 5S, Kaizen… từ đó hoàn thiện dần mô hình sản xuất, quản lý hiện đại.

Đặc biệt, các đề án KCQG điểm được triển khai có lượng kinh phí khá lớn đã tạo sức hấp dẫn cho các cơ sở sản xuất trong ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản, chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa mạnh dạn tham gia và đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh.

Theo Làng nghề Việt