Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, bộ mặt của nông thôn mới ở Tây Ninh đã "thay da đổi thịt". Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư trên 2.200 km đường giao thông nông thôn; 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2020, Tây Ninh đã có 39 xã đạt tiêu chí giao thông, 75 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 48 xã đạt tiêu chí điện, 39 xã đạt tiêu chí trường học, 39 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 66 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 74 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông, 67 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. So với những năm đầu thực hiện Chương trình, số xã đạt chuẩn tăng hàng năm, nâng tỷ lệ xã đạt từng tiêu chí, nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Để xây dựng nông thôn mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, ngày 24/8/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Khuyến công và Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ Công Thương. Ngày 17/3/2021, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục ban hành công văn số 794/UBND-KT đề nghị các thủ trưởng các sở, ban, ngành, tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công địa phương phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan; triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025, tập trung xây dựng đề án theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công.


Bên cạnh việc tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương, Tây Ninh đã chủ động lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Cụ thể, đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Kết quả, hoạt động khuyến công của Tây Ninh đã đạt được những kết quả khả quan, huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông
 thôn mới.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Tây Ninh, hiện tại địa phương này đã và đang thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đặc biệt là đang tập trung hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào đề án khuyến công. Có thể nói, hoạt động khuyến công ở Tây Ninh đã và đang tạo động lực phát triển nông thôn trong giai đoạn mới. 

Theo Công nghiệp Tiêu dùng