Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho sản phẩm. Với định hướng này, từ đầu năm đến nay, chương trình khuyến công TP. Hà Nội đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại các làng nghề.

Thúc đẩy sản xuất sạch hơn
Thúc đẩy sản xuất sạch hơn (SXSH) là chủ trương của Chính phủ cũng như TP. Hà Nội. Để hỗ trợ DN, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền về áp dụng SXSH trong công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức 5 lớp đào tạo tập huấn giới thiệu về SXSH, phổ biến lợi ích cho DN khi áp dụng…

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra khảo sát đánh giá SXSH cho 10 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố theo 3 nhóm đối tượng: Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; ngành in ấn – bao bì; DN vừa và nhỏ thuộc ngành chế biến gỗ, gốm sứ. Đồng thời hỗ trợ đánh giá SXSH cho 10 cơ sở sản xuất trên địa bàn...
Thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, trung tâm đã giới thiệu các mô hình về đổi mới sinh thái, thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, các chuỗi cung ứng, mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cơ chế ưu đãi cho DN sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; giới thiệu kiến thức về chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng Thủ đô...
Về phát triển hệ thống phân phối bền vững, trung tâm cũng triển khai thu thập thông tin và nhu cầu tham gia chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững của 90 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ…
Vận động, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ 13 DN với 16 sản phẩm tham gia chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2020. Hỗ trợ đào tạo, tư vấn, áp dụng quy trình 5S3D vào sản xuất cho các DN công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện – điện tử.
Nâng cao năng lực cho các cơ sở 
Riêng với ngành thủ công mỹ nghệ, Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, trên 10.000 lượt DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ chương trình khuyến công; tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 - 8%/năm, năm 2025 đạt kim ngạch trên 550 triệu USD; tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.
Ðể đạt được mục tiêu này, ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội - cho hay, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, DN làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở CNNT sẽ gắn hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.
Cùng với đó, trung tâm tiếp tục tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến sản phẩm CNNT. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ sử dụng nhiều lao động, DN đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường.
Về kế hoạch từ nay đến cuối năm, ông Vương Đăng Hoa - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội - cho rằng, trung tâm sẽ tổ chức 12/16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT về quản trị DN, thiết kế mẫu mã, marketing, kinh nghiệm xuất khẩu...; hỗ trợ 14 cơ sở CNNT đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng. Tổ chức chuỗi sự kiện kết nối "Mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành mây tre đan, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ TP. Hà Nội năm 2020".
Việc triển khai chương trình khuyến công đã góp phần hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tại các làng nghề giảm bớt chi phí sản xuất; chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới được bảo đảm...

 

Nguồn sưu tầm: congthuong.vn