Trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch khuyến công thành phố Hà Nội năm 2019, vừa qua UBND thành phố ban hành Kế hoạch Khuyến công thành phố Hà Nội năm 2020, với các mục tiêu cụ thể và 07 nội dung chính như sau:  

1. Tổ chức truyền nghề, nhân cấy nghề
Tổ chức 47 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn, kết thúc trung bình có khoảng 80% số lao động được bố trí việc làm với thu nhập ổn định bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
2. Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn
Tổ chức 10 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn về: Khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm…; 10 lớp tập huấn giới thiệu các chế độ chính sách mới về hoạt động khuyến công và làng nghề, cho khoảng 750 lãnh đạo, cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; 01 Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thu hút khoảng 100-120 doanh nghiệp, cơ sở gặp gỡ, ký kết hợp tác cung ứng nguyên liệu, bao tiêu gia công bán thành phẩm ngành thủ công mỹ nghệ; Hội thảo quốc tế “Định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm” trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020. 
3. Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất
Hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất... 
4. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
a) Tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020 (Hanoi Giftshow 2020), với quy mô khoảng 450-500 gian hàng thu hút khoảng 10.000 đến 12.000 lượt khách tham quan, trong đó có từ 650 đến 700 nhà nhập khẩu nước ngoài, tạo ra giá trị xuất khẩu ước đạt 6,6 triệu USD (tăng khoảng 10% so với năm 2019).
b) Tổ chức Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 - Hanoi Great Souvenirs 2020 (phục vụ khách trong và ngoài nước đến Thủ đô dịp đua xe F1 lần đầu tiên được tổ chức), với quy mô khoảng 180 gian hàng, phục vụ khách du lịch quốc tế đến Hà Nội mùa giải đua xe F1 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và khách nội địa trong nước, khoảng 25.000 đến 30.000 lượt khách tham quan, mua sắm với giá trị đạt khoảng 15 tỷ đồng.
c) Tổ chức mời và hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2020.
Tổ chức mời và hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài, khách quốc tế đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quốc tế hàng TCMN Hà Nội năm 2020. Trong đó có 200 đến 250 nhà nhập khẩu được hỗ trợ (phương tiện đi lại, khách sạn), nhằm kết nối giao thương, ký kết hợp đồng xuất khẩu.
d) Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ xuất khẩu hàng TCMN ở nước ngoài.
Hỗ trợ từ 40 đến 45 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tham gia một số Hội chợ quốc tế chuyên ngành TCMN (định hướng vào các hội chợ tại Paris - Pháp, Tokyo - Nhật Bản, Hồng Kông - Trung Quốc, Singapore, CH Séc, Nga, một số nước nhóm EU, G7...) với mục tiêu tạo ra giá trị xuất khẩu ước đạt 1,8 triệu USD (tăng 15% so với năm 2019).
e) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế hàng TCMN (Hội chợ Lifestyle VietNam 2020) tại TP Hồ Chí Minh.
Kết thúc hội chợ, ký kết hợp đồng xuất khẩu ước đạt giá trị khoảng 250.000USD.
f) Rà soát, đánh giá kết quả hoạt động; tổ chức tập huấn tư vấn phát triển thương hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Khoảng 90 đến 100 lãnh đạo, cán bộ quản lý cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tập huấn tư vấn phát triển thương hiệu.
5. Cung cấp thông tin, phát triển sản phẩm mới
a) Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020, thu hút khoảng từ 100 đến 150 tổ chức, cá nhân tham dự cuộc thi với 300-350 mẫu sản phẩm mới được tạo ra và có từ 80 đến 100 sản phẩm đạt giải. 
b) Tổ chức ‘"Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Thủ Đô” tại 176 Quang Trung - Hà Đông
Sắp xếp, bố trí không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thiết kế dàn dựng…, tổ chức thông tin truyền thông giới thiệu điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.
c) Tổ chức triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng TCMN mới, sáng tạo năm 2020.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn... sản xuất, kinh doanh các sản phẩm TCMN tiếp cận, kết nối với các thiết kế mẫu sản phẩm TCMN mới nhất của Nghệ nhân, thợ giỏi…, để từ đó đưa các thiết kế này vào sản xuất sản phẩm đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
d) Thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thiết kế mẫu sản phẩm mới
Thuê chuyên gia tư vấn để hỗ trợ trực tiếp 15 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Hà Nội thiết kế mẫu sản phẩm mới, mỗi đơn vị được hỗ trợ thiết kế 02 đến 05 mẫu, với mục tiêu tạo ra khoảng 50-60 mẫu sản phẩm, bộ sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường.
e) Thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về khuyến công
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công trên địa bàn thành phố.
6. Hợp tác công thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nưóc
Hỗ trợ 30-40 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 03 Hội chợ triển lãm...
7. Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố
a) Tổ chức các đoàn công tác thẩm tra, khảo sát, nghiệm thu các đề án khuyến công
b) Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công
c) Hội nghị tổng kết, đánh giá
Tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá chương trình khuyến công 2016-2020, xây dựng kế hoạch chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025
d) Nâng cấp trang thông tin điện tử
e) Xây dựng cơ sở dữ liệu về khuyến công
Kinh phí thực hiện Kế hoạch khuyến công thành phố năm 2020, gồm: Từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ dự kiến là: 27,999 tỷ đồng, đã giao cho Sở Công Thương tại Quyết định số 6999/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của UBND thành phố; kinh phí đối ứng tự chi trả của các cơ sở công nghiệp nông thôn và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tổ chức thực hiện giao Sở Công Thương chủ trì, tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch Khuyến công theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra, đnh kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, thẩm tra lựa chọn những đề án của đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có đủ năng lực triển khai thực hiện hỗ trợ năm 2020; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng các quy định pháp luật và thành phố; xây dựng kế hoạch chi tiết: Các đoàn tham gia hội chợ quốc tế ở nước ngoài, tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020, tổ chức Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội năm 2020, tổ chức hội chợ hàng hóa, sản phẩm nông thôn chất lượng cao năm 2020, hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả; trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí khuyên công thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn thành phố Hà Nội. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) lựa chọn, đề xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2020 báo cáo UBND thành phố khen thưởng.
Với Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch khuyến công năm 2020 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước và thành phố.
Đối với các sở, ngành có liên quan: Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp Sở Công Thương thực hiện Kế hoạch khuyến công thành phố năm 2020; rà soát và lồng ghép (nếu có) các Chương trình, Kế hoạch do đơn vị mình tổ chức thực hiện với Kế hoạch khuyến công thành phố năm 2020 đảm bảo không trùng lặp.
Đối với UBND các huyện, thị xã: Căn cứ Kế hoạch khuyến công thành phố năm 2020, xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch Khuyến công tại địa phương. Xem xét cân đối một phần ngân sách cấp huyện hỗ trợ thêm các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phối hợp Sở Công Thương trong khảo sát, thẩm tra, lựa chọn các đề án được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công và kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các đề án khuyến công đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và hiệu quả.
Đối với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn thành phố: Đề xuất các đề án khuyến công và đơn vị thụ hưởng, phối hợp Sở Công Thương khảo sát, thẩm tra, lựa chọn các đơn vị được hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2020; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các đề án khuyến công được hỗ trợ kinh phí đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả./.

Có thể xem chi tiết Kế hoạch Khuyến công thành phố Hà Nội năm 2020 tại đây
                    

Quang Huy - KConline