Khó khăn lớn nhất trong hoạt động khuyến công ở Hà Giang hiện nay là  công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ, phân tán, đa phần sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu, hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo được nguồn kinh phí đối ứng nên số lượng các đề án khuyến công đăng ký hàng năm rất hạn chế.

Đặc biệt, Hà Giang rất thiếu nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều lao động chưa qua đào tạo. Sự liên kết giữa các làng nghề, thợ thủ công, các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ trong các lĩnh vực thiết kế mẫu mã, công nghệ, thị trường, nguồn nguyên liệu, lao động và tài chính còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác khuyến công chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức; nhiều huyện chưa có cán bộ khuyến công chuyên trách. Việc bố trí ngân sách cho hoạt động khuyến công và định mức hỗ trợ các nội dung hoạt động khuyến công chưa đáp ứng nhu cầu. Các định hướng ngành nghề, thông tin thị trường, công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; chưa tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn để phát triển CNNT. Bên cạnh đó, một số cơ sở CNNT mong muốn đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, đăng ký thương hiệu… nhưng còn hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo được nguồn kinh phí đối ứng nên không thể triển khai thực hiện đề án.

Để khắc phục, Hà Giang chủ trương lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi cao, tổ chức thẩm tra năng lực thực hiện của cơ sở CNNT trên cơ sở danh mục các đề án do UBND các huyện, thành phố đăng ký thực hiện. Năm 2018, 13 đề án của các cơ sở chế biến mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của Tỉnh được hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương; 3 đề án được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Các đề án đều mang tính trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ những đề án ứng dụng máy móc, thiết bị, lồng ghép với hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm mang tính đặc hữu của Tỉnh như tinh mật ong bạc hà, chế biến thịt bò khô, chè Shan Tuyết... Có thể nói, công tác khuyến công đã thực sự động viên, khuyến khích và huy động được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến những sản phẩm thế mạnh tại địa phương. Qua đó đã góp phần mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho một số doanh nghiệp, xây dựng những thương hiệu sản phẩm đặc trưng của Tỉnh…; đồng thời giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.

Mục tiêu của Hà Giang trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất chương trình hỗ trợ cho các cơ sở phù hợp với quy định của Nhà nước. Tăng cường công tác thẩm tra năng lực thực hiện của các cơ sở CNNT, hạn chế tình trạng các đề án xin điều chỉnh và ngừng thực hiện. Phối hợp, lồng ghép các dự án khác với kế hoạch khuyến công; tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn vốn tham gia (đối ứng) vào các đề án khuyến công. Đặc biệt là sẽ chú trọng định hướng hỗ trợ khuyến công điểm, phát huy hiệu quả thế mạnh của từng địa phương vào sản xuất nhằm tạo điểm nhấn về hiệu quả hoạt động khuyến công đối với từng vùng, ngành nhất định.

 

CTV.Khánh Chi