Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, năm 2022, kết quả thực hiện chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên địa bàn chưa được như kỳ vọng, trong đó có 5/12 đề án khuyến công địa phương không triển khai thực hiện được, phải trả lại nguồn ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công quốc gia năm 2022 là 11.600 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.600 triệu đồng, vốn đối ứng của các đơn vị thụ hưởng 10.000 triệu đồng, gồm 2 đề án: Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ uống” cho 03 đơn vị thụ hưởng (HTX Mật ong Phương Di Ia Grai; Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú; Công ty TNHH nông sản Việt Tâm An Gia Lai) và Đề án “ Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong chế biến nông sản sấy khô” cho Công ty TNHH MTV Thái Sơn Tây Nguyên. 

Tổng kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là 2.007 triệu đồng cho 12 đề án. Thực hiện trong năm 2022 là 07/12 đề án, với tổng kinh phí thực hiện 2.122 triệu đồng, trong đó, kinh phí địa phương hỗ trợ 1.072 triệu đồng, vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng 1.050 triệu đồng. Bao gồm: Đề án “Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ”; Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến” cho 05 đơn vị thụ hưởng (Hộ Kinh Doanh Nguyễn Thị Thu, Hộ Kinh Doanh Nguyễn Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê Tropico Tây Nguyên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Nguyễn Gia Lai, Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai)g; Đề án “Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với du lịch” cho 02 đơn vị thụ hưởng (Hộ kinh doanh Phước Hỷ, Hộ kinh doanh Tý Vân).

Thông qua triển khai các chương trình, đề án khuyến công, nhận thức từ các cấp, các ngành và cộng đồng cơ sở, doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao. Các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm tham gia chương trình OCOP phục vụ xuất khẩu, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kế hoạch khuyến công địa phương năm 2022 vẫn còn những tồn tại nhất định, điển hình là 05/12 đề án không triển khai thực hiện được, bao gồm: Đề án “Hỗ trợ máy chế biến Trà túi lọc măng tây”; Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”; Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm”; Đề án “Hỗ trợ dây chuyền thiết bị chế biến nông sản”; Đề án “Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm Công nghiệp nông thôn của địa phương”.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do trong quá trình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định 575/2021/QĐ-UBND ngày 08/9/2021, Sở Công Thương và các sở ngành liên quan không lường trước được những khó khăn, bất cập về nội dung và địa điểm hỗ trợ: Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 08/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai quy định quá chi tiết về nội dung và địa điểm triển khai thực hiện đề án, trong khi các cơ sở công nghiệp nông thôn luôn có tính biến động về tài chính và sản xuất, kinh doanh; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại chưa chủ động trong việc tham mưu, báo cáo và đề xuất kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình Khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025 nói chung và Kế hoạch Khuyến công địa phương năm 2022 trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, chưa thực sự bám sát nhu cầu của địa phương và các cơ sở công nghiệp nông thôn, dẫn đến việc đăng ký vào Kế hoạch Khuyến công địa phương năm 2022 một số đề án có tính khả thi chưa cao phải xin ngừng vì không triển khai hoặc không thay thế được; Sở Công Thương đã chậm trễ trong công tác tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2022, điều này làm ảnh hưởng đến việc triển khai các đề án do thời gian còn lại để triển khai thực hiện quá ngắn, các vấn để phát sinh ngoài dự kiến không đủ thời gian để giải quyết kịp thời,...

Từ những khó khăn, hạn chế bộc lộ qua thực tiễn triển khai Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 08/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, để triển khai chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 – 2025 đạt hiệu quả, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự thảo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi một số nội dung của Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025: Bãi bỏ Phụ lục 2 của Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025./.

NTB-VP