Nhờ sự hỗ trợ đúng thời điểm của nguồn vốn khuyến công, sản phẩm của Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên ngày càng có ưu thế cạnh tranh trên thị trường bởi chất lượng vượt trội, chất lượng cao.

Ông Lê Quang Hòa - Giám đốc Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên - cho hay: Nhằm đáp ứng nhu cầu mặt hàng đúc, nhất là nắp hố gas, thanh chắn rác phục vụ trong lĩnh vực giao thông và thoát nước tại các khu chung cư cao tầng ngày một tăng cao trên thị trường, năm 2020 công ty đầu tư 70 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất. Riêng hệ thống dây chuyền thiết bị có tổng kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Thông qua Chương trình Khuyến công Quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương) đã hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí cho hạng mục đầu tư dây chuyền sản xuất.

Theo đại diện Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên, dây chuyền sản xuất được đặt theo thiết kế riêng, nhập khẩu hoàn toàn từ Hàn Quốc, tự động tới hơn 90% công đoạn và có thể thay thế cho hàng trăm lao động. Khi vận hành hết công suất có thể đạt 800 tấn sản phẩm/tháng. Đặc biệt, sản phẩm tạo ra có độ chính xác, độ bền cao, đồng thời vượt trội về mặt thẩm mỹ so với sản phẩm sản xuất thủ công trước kia. “Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Đúc Thái Nguyên xét về mặt công nghệ và quy mô có thể đứng trong top đầu các doanh nghiệp đúc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, ông Lê Quang Hòa tự tin.

Bởi ưu thế vượt trội về chất lượng, Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường trong và ngoài nước. Riêng về thị trường xuất khẩu, ông Lê Quang Hòa chia sẻ: Từ những năm 1993-1994, doanh nghiệp khi đó mới là cơ sở sản xuất nhỏ thông qua Tổng công ty Thép Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm theo hình thức ủy thác sang thị trường Đài Loan, Hy Lạp và duy trì cho đến nay. Với thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, chào hàng và đã tìm được đối tác nhập khẩu với số lượng lớn.

“Chính nhu cầu nhập khẩu sản phẩm từ các đối tác tăng cao đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, thiết bị nhằm tăng năng lực sản xuất”, lãnh đạo Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên chia sẻ. Theo kế hoạch, 80% sản phẩm của công ty sẽ phục vụ xuất khẩu, 20% tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, do đầu tư đúng vào thời điểm bùng phát của dịch Covid-19 khiến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp rất khó khăn. Với thị trường xuất khẩu, dù nhu cầu vẫn cao nhưng do giá vận chuyển đường biển tăng nhanh, hàng hóa nhập khẩu bị đội chi phí, giá thành bằng với giá sản phẩm cùng loại tại nước sở tại cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng xuất khẩu. Cộng hưởng với đó là nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với năm trước. “Đầu ra thì khan hiếm, đầu vào quá cao khiến doanh nghiệp rất vất vả”, ông Lê Quang Hòa chia sẻ, đồng thời đề xuất: Chính phủ hỗ trợ giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền điện như đã triển khai.

Được biết, ngoài đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc các chi tiết cơ khí phục vụ xuất khẩu”, Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên đã được khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 2 lần trong đổi mới công nghệ sản xuất.

Ông Lê Quang Hòa khẳng định: Khuyến công là chương trình rất ý nghĩa, dù giá trị hỗ trợ không quá lớn nhưng có tính chất động viên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Sau khi chính thức đi vào vận hành, hệ thống máy móc, thiết bị được hỗ trợ thông qua đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc các chi tiết cơ khí phục vụ xuất khẩu” đã giúp Công ty Cổ phần đúc Thái Nguyên có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo Báo Công Thương