Ngày 12/7/2019 tại thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đề xuất các giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. 

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Tấn Dũng-Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; bên cạnh đó còn có ông Đặng Trường Thi-Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo và bà Đỗ Thị Hồng Hà-Phó Cục trưởng Cục Người có công. Về phía Bộ Công Thương có ông Dương Quốc Trịnh và đại diện Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt nam, các Bộ, ban, ngành, UBND, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng về dự đông đủ.

Hội nghị đã tập trung phân tích, tham luận, thảo luận và đánh giá như sau: Trong hơn 02 thập kỷ qua, dưới sự Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thường xuyên, sát sao, cùng với sự nỗ lực liên tục, bền bỉ không ngừng của các Bộ, các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, khả quan, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,23% năm 2018; các điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân, nhất là người nông dân từng bước được tăng lên rõ rệt; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ngày càng được tăng cường, điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện về cả sinh kế và dần được tiếp cận các dịch vụ xã hội. 
Đến tháng 7/2019, đã có 08 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 44 xã trong tổng số 292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã công nhận lên phường); trên 60 xã 135 và hơn 1.000 thôn bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện xét ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

                                                                                                        
 Chính vì vậy, thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong các quốc gia đạt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo và an sinh xã hội và nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… được ban hành mới, góp phần ổn định xã hội và đời sống của người nghèo, trong đó luôn dành sự đặc biệt ưu tiên đối với các thành phần, đối tượng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách người có công, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số…

Mặc dù hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội thời gian qua đã cơ bản tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của người nghèo, hộ nghèo, địa bàn nghèo, thậm chí Nhà nước đã ban hành chính sách cho cả hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, định mức chính sách cũng đã được nâng lên, cơ chế chính sách cũng được cải thiện theo hướng giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có thu hồi, có hoàn trả, người nghèo đã tự ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo thông qua nhiều sáng kiến giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò cộng đồng trong các mô hình giảm nghèo, nhiều gương điển hình tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã được nhân rộng trên một số tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên có thể thấy rằng kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo (bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo), hộ nghèo mới phát sinh còn cao (bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo), tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 55% trong tổng số hộ nghèo, và đặc biệt, theo số liệu tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2018, có 53/63 tỉnh, thành phố vẫn còn 16.560 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo cả nước. Trong đó: Trên 1.000 hộ có 02 tỉnh (Nghệ An và Quảng Bình); từ  trên 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh (Hà Tĩnh, Bình Định, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Quảng Nam, Sơn La); từ trên 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh (Bến Tre, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Kon Tum, Thái Bình, Sóc Trăng); từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh (Hòa Bình, Hậu Giang, Điện Biên, Ninh Bình, Tiền Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Hưng Yên, Lào Cai, Nam Định, Đắk Nông, Vĩnh Long, Hà Nam, Bắc Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Bình Thuận, Trà Vinh); dưới 100 hộ có 13 tỉnh (Long An, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Phước, Bắc Ninh, Hải Phòng) và 10 tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương).

                                                                                                                                                    
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, do đặc thù của từng vùng, từng địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công có nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả nguyên nhân chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa…) và nguyên nhân khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học…), nhiều địa phương cũng đã đánh giá, phân loại nguyên nhân để ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ như Quảng Nam, Đồng Tháp…, nhưng về cơ bản thì hiện nay cũng còn nhiều tỉnh vẫn chưa thực sự có giải pháp căn cơ để giảm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, do số lượng hộ nghèo thuộc chính sách khá lớn, trong khi đa số đều là hộ người có công không được hưởng trợ cấp hàng tháng cao tuổi, hộ gia đình nhiều nhân khẩu ăn theo, không có lao động hoặc bệnh tật…
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không để gia đình người có công với cách mạng sống dưới mức sống trung bình của cả nước và phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, với mong muốn đó, tại Hội nghị này, các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá thực trạng, nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) để có được bức tranh tổng thể về các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, từ đó đã đề xuất được nhiều giải pháp, kiến nghị với các cấp, các ngành, cộng đồng và người dân để hỗ trợ cho các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công vươn lên thoát nghèo, tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
                                                                                                                                                    

Huy Quang