Năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông đã triển khai đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản” cho 4 cơ sở thụ hưởng, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.639,1 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.200 triệu đồng.

Nông sản là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, sản xuất thô và bán ra thị trường với giá thấp. Vì vậy, việc hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản từ nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản của địa phương là hết sức cần thiết.

Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông đã triển khai đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản” cho 4 cơ sở thụ hưởng là các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm: Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Tài Đức; Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An PhátHợp tác xã Nông Phú; HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 với tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.639,1 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.200 triệu đồng; Kinh phí cơ sở công nghiệp nông thôn là 1.439,1 triệu đồng.

Với đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản” Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát (tại phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp nhận được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2023. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, Công ty đã đầu tư thêm 321 triệu đồng để mua mới 1 máy đóng gói tự động có năng suất 150 gói/phút; 1 máy cán, cắt kẹo tự động cho năng suất 80kg/giờ, vào phục vụ cho chế biến nông sản.

Trước đây máy móc đang sử dụng năng suất 50kg/ngày, thời gian sản xuất lâu, sử dụng nhiều công lao động cho quá trình chế biến, sản phẩm có độ đồng đều thấp, chưa có sự đồng nhất về mùi vị và màu sắc, chi phí sản xuất nhiều do tốn nhiều nhân công mà năng suất thấp, tốn nhiều chi phí thời gian, lao động. Đến nay, ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến thay cho thủ công cho năng suất 500kg/ngày, tiết kiệm thời gian ra thành phẩm, sản phẩm có chất lượng tốt, có sự đồng nhất về mùi vị và màu sắc, chất lượng sản phẩm cao. Đồng thời, đã giảm được 2 lao động trong quá trình chế biến so với quy trình cũ.

Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát cho biết: “Máy móc đi vào hoạt động đã giúp Công ty nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm; tăng lợi nhuận cho doanh nghiệpgóp phần giải quyết việc làm, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ”.

Cùng là 1 trong 4 cơ sở sản xuất được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ theo đề án nhóm, HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông (tại phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã đầu tư 1 bộ hệ thống dây chuyền rửa chanh, năng suất 1500-2000kg sản phẩm/giờ, với tổng kinh phí đầu tư là 645,6 triệu đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng.

Ông Phạm Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông chia sẻ: “Công nghệ mới giúp HTX nâng cao công suất 10 tấn nguyên liệu/ngày, thời gian sản xuất chế biến ngắn chỉ bằng 1/3 so với phương pháp thủ công do ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong ngâm rửa tự động. Sản phẩm được rửa sạch hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giảm 2/3 số lao động trong quá trình sản xuất, chế biến so với phương pháp thủ công. Từ đó giúp tăng doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh cho đơn vị trên thị trường”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông Nguyễn Thanh Tòng cho biết: “Việc triển khai thực hiện đề án sẽ tạo điều kiện giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong lĩnh vực chế biến nông sản tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất, chế biến; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản tỉnh Đắk Nông trên thị trường trong và ngoài nước,… Đồng thời, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đây là các mô hình tiên tiến để các cơ sở công nghiệp nông thôn tham quan học tập, nhân rộng mô hình, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Năm 2023, kế hoạch khuyến công quốc gia giao cho tỉnh Đắk Nông với tổng kinh phí thực hiện là 6.698,6 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.440 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 3.258,6 triệu đồng, để thực hiện 4 đề án.

 

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: NTB