GRDP thành phố Đà Nẵng quý I/2023 tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu về tốc độ tăng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp thứ 19 cả nước.

Ngày 30/3, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong sản xuất và xuất khẩu, kinh tế thành phố quý I/2023 vẫn đạt những kết quả tăng trưởng nhờ sự phục hồi tích cực của du lịch và các dịch vụ khác.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố quý I/2023 ước tăng 7,12% với với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chủ yếu đóng góp đến từ khu vực dịch vụ với mức tăng 11,53%, đóng góp 7,86 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong quý tiếp tục mở rộng, ước đạt 30.746 tỷ đồng, tăng 3.343 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (riêng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tăng 3.109 tỷ đồng).

Với kết quả như trên, trong quý I/2023, Đà Nẵng đứng đầu trong 5 tỉnh thành vùng kinh tế trong điểm miền Trung về tăng trưởng GRDP (GRDP tỉnh Thừa Thiên Huế tăng 6,61%; tỉnh Bình Định tăng 4,41%. Riêng GRDP tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tăng trưởng âm lần lượt Quảng Nam giảm 10,88%; Quảng Ngãi giảm 1,07%).

Tăng trưởng kinh tế khá, tuy nhiên, phần lớn các chỉ số kinh tế của thành phố Đà Nẵng đều giảm và chỉ có khu vực dịch vụ tăng mạnh đã kéo kinh tế thành phố đi lên.

Dịch vụ khẳng định vai trò là trụ đỡ chính thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển trong bối cảnh sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Tăng trưởng toàn khu vực dịch vụ quý I/2023 đạt 11,53%. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng tới 70,31%, nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 20,98%.

Ngoài dịch vụ, hầu hết các chỉ số kinh tế khác của thành phố đều giảm, có thể nhắc đến như công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu, thương mại, thu hút đầu tư, nông nghiệp…

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2023 đạt 96,8% so với cùng kỳ. Dù vậy, khảo sát các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho thấy những tiến hiệu tích cực từ các chuỗi cung ứng cũng như nhiều hợp đồng vừa kí kết mới đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy IIP những tháng tiếp theo tăng trưởng trở lại. 74,6% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá và kỳ vọng sản xuất kinh doanh quý II/2023 tiếp tục duy trì được ổn định hoặc tốt hơn; 72,7% doanh nghiệp nhận định đơn hàng quý II/2023 sẽ được duy trì hoặc tăng trưởng so với quý I/2023.

Trong khu vực xây dựng, giá trị sản xuất qúy I/2023 giảm mạnh 29,3% so với qúy trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng toàn ngành trong quý giảm 17,8%. Ngành này được dự báo sẽ còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian đến.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 661,4 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 427,3 triệu USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 234,1 triệu USD, giảm 26,3%. Thặng dư thương mại quý I/2023 ước khoảng 193,2 triệu USD.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2023 ước đạt 15.566 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng ngược lại, bán buôn (bán sỉ) lại giảm mạnh. Tính chung quý I/2023, tổng mức bán buôn hàng hóa chỉ đạt khoảng 30.321 tỷ đồng, giảm sâu 20,4% so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất là ngành gỗ và vật liệu xây dựng, nhóm ngành phương tiện đi lại…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng toàn khu vực nông, lâm thủy sản trong quý giảm nhẹ 0,01% so với cùng kỳ. Trong đó, lâm nghiệp giảm 3,61%, thủy sản giảm 1,1%, riêng nông nghiệp và dịch vụ liên quan tăng 3,51%.

Quý I/2023 (tỉnh đến 15/3/2023), Đà Nẵng có thêm 4 dự án trong nước tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 33,3% về số dự án và chỉ bằng 56,9% tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022); thu hút thêm 28 dự án FDI tổng vốn 4,46 triệu USD (tăng về số dự án, nhưng giảm về tổng vốn đăng ký).

Nguồn: congthuong.vn

Sưu tầm: NTB