Kế hoạch hành động cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
Triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giao cho Cục Công Thương địa phương tại Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
2. Yêu cầu
Các đơn vị thuộc Cục Công Thương địa phương chủ động tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu; nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Bộ Công Thương tại Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Bộ Công Thương.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước; cập nhật các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương có liên quan đến ngành công thương; nâng cao chất lượng công tác dự báo, tham mưu tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước nhằm tiếp tục ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn có thế mạnh, xuất nhập khẩu, thương mại bán buôn, bán lẻ. Thường xuyên nắm bắt một số vấn đề nổi cộm và các đề xuất kiến nghị của các địa phương trong thông báo kết luận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, đề xuất hình thức tổ chức Hội nghị giao ban với các Sở Công Thương. Đầu mối của Bộ tổng hợp các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP năm 2023.
2. Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan theo trạng thái bình thường mới. Phối hợp xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, cân đối cung cầu hàng hóa trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu; chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra.
3. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Quán triệt và thực hiện nghiêm văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền. Bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý sử dụng tài sản công của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho công chức, viên chức.
Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2023; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia. Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công. Phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công các tỉnh Quảng Ninh, Đăk Nông, Hậu Giang tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công, đề xuất sửa đổi và đăng ký triển khai các công việc liên quan chuẩn bị sửa đổi Nghị định và các Thông tư hướng dẫn, đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ Công Thương.
Xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN). Tiếp tục tiếp thu, giải trình, hoàn thiện tờ trình về chủ trương Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Tham gia ý kiến đối với Phương án phát triển cụm công nghiệp (thuộc Quy hoạch tỉnh) của các địa phương.
4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin chủ yếu về tiềm năng lợi thế; khó khăn, tồn tại; định hướng phát triển ngành công thương của các tỉnh, thành phố. Xây dựng thông tin, dữ liệu về lĩnh vực khu, cụm công nghiệp cho từng địa phương. Khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp triển khai chương trình phát triển, bảo tồn làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng báo cáo về kinh tế tập thể, làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 842/QĐ-BCT ngày 16/03/2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương; triển khai chương trình tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công Thương. Phối hợp triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
5. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương đảm bảo phù hợp với tiềm năng, lợi thế; thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước. Tiếp tục hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm; hỗ trợ các đề án nhóm, đề án điểm có tác động lan tỏa, sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương.
Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
6. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả phát triển các cụm công nghiệp theo quy định. Tiếp tục thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp.
7. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng,
luân chuyển, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách đối với công chức,
viên chức và người lao động; gắn đào tạo với thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ.
8. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Tiếp tục triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết. Tăng cường theo dõi, phân tích, dự báo sát tình hình kinh tế trong nước và thế giới, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương. Xây dựng Kế hoạch tổ chức Đoàn công tác tại nước ngoài năm 2023.
Tổ chức các đoàn doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi trong nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế.
9. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo và quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về những sự kiện quan trọng nổi bật. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các chính sách, sự chỉ đạo điều hành quản lý của Bộ Công Thương. Tăng cường kỷ luật phát ngôn. Đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với công tác đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành Công Thương bằng việc tiếp tục nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của Cục, Bản tin Khuyến Công (giấy, điện tử), Đề án Truyền thông qua truyền hình về công thương địa phương. Tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Cục.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ của Cục Công Thương địa phương tại Quyết định số 32/QĐ-BCT. Các Phó Cục trưởng, theo lĩnh vực phụ trách, bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Công Thương địa phương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện trước Cục trưởng về kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị được giao phụ trách.
2. Các đơn vị thuộc Cục căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Kế hoạch hành động này, kết hợp nhiệm vụ của đơn vị mình, để triển khai phù hợp, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Cục những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; có báo cáo tình hình thực hiện gửi về Phòng Kế hoạch Tổng hợp trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Cục.
3. Phòng Kế hoạch Tổng hợp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch hành động này và Quyết định số 32/QĐ-BCT, trước ngày 25 hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện gửi về Bộ Công Thương (thông qua Vụ Kế hoạch – Tài chính).
Chi tiết văn bản xem tại đây
TTH