Nhằm tăng sức hút cho Chương trình Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, Sở Công Thương Đồng Tháp xây dựng kế hoạch hỗ trợ hấp dẫn, bao gồm cả phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh. 

Hiệu quả tích cực

Khô cá Tiến Phương của cơ sở Tiến Phương Hồng Ngự là 1 trong 3 sản phẩm của Đồng Tháp được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Theo ông Nguyễn Tiến Phương - Chủ cơ sở Tiến Phương Hồng Ngự, trước khi tham gia bình chọn cấp quốc gia, sản phẩm đã trải qua nhiều cấp bình chọn từ tỉnh đến khu vực.

Cũng theo ông Phương, sau khi được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, cơ sở đã được hỗ trợ nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ tạo nguồn nguyên liệu đến chế biến và đưa thành phẩm ra thị trường. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp cũng hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng và cơ sở đối ứng thêm 50 triệu đồng xây dựng phòng trưng bày, quảng bá sản phẩm và giới thiệu quy trình chế biến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ cơ sở tham gia các hội nghị xúc tiến, giao thương, các hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh.

Với sự hỗ trợ đó, năng lực sản xuất, xuất khẩu và doanh thu của công ty tăng theo từng năm. Nếu như năm 2017, số lượng sản phẩm đạt 17 tấn, năm 2019 tăng lên dự kiến đạt 22 tấn; xuất khẩu từ 2 tấn tăng lên 2,5 tấn; doanh thu năm 2018 đạt 3 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến đạt 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/lao động/tháng.

Cơ sở sản xuất Tiến Phương Hồng Ngự là 1 trong số nhiều cơ sở thu được kết quả tích cực sau khi tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Theo số liệu từ Sở Công Thương Đồng Tháp, từ khi thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đến nay, Đồng Tháp đã có 81 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 22 sản phẩm cấp khu vực, 8 sản phẩm cấp quốc gia của 71 cơ sở, doanh nghiệp (DN).

Các sản phẩm tham gia bình chọn hầu hết là những sản phẩm CNNT đặc thù của tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống đã khẳng định ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh như: Bánh phồng tôm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; sản phẩm từ bột của Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi... Đáng lưu ý, thông qua chương trình bình chọn còn phát hiện được nhiều sản phẩm mới sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, được thị trường chấp nhận và có khả năng phát triển mạnh như: Xoài sấy dẻo; trà lá sen...

Hỗ trợ thiết thực

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp, bên cạnh những ưu đãi từ cấp Trung ương, tỉnh cũng dành cơ chế hỗ trợ hấp dẫn cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Theo đó, để khuyến khích phát triển sản phẩm trên thị trường, thông qua nguồn kinh phí khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại; hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, nhằm tạo sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tỉnh cũng đã tổ chức 24 đợt tham gia hội chợ, 3 đợt tham quan học tập kinh nghiệm, từ đó tạo cơ hội cho các DN, cơ sở CNNT giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một số sản phẩm của các cơ sở đã được người tiêu dùng trong nước biết đến, như: Muối sấy Ngọc Yến, trái cây sấy Nam Huy, máy liên hợp thu hoạch bắp, máy cuộn rơm tự hành Phan Tấn.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp, chính sách hỗ trợ thiết thực đã giúp sức đáng kể cho các cơ sở có sản phẩm CNNT mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu vẫn gặp khó khăn. Đáng kể nhất là xây dựng phát triển thương hiệu chưa được các cơ sở CNNT thực sự quan tâm. Hầu hết các cơ sở chỉ tập trung vào khâu sản xuất sản phẩm, nhằm tận dụng nguồn lao động nông nhàn, chưa chú trọng đến các khâu có thể đem lại giá trị gia tăng cao như: Nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã. Vẫn còn có cơ sở sản xuất chưa nhận thức được tầm quan trọng của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nên chưa tham gia.

Để khắc phục những hạn chế trên, đem lại sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn nữa cho Chương trình, Sở Công Thương Đồng Tháp đã xây dựng một số giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nội dung phù hợp cho từng đối tượng về các vấn đề liên quan tới phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Chủ động phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư của tỉnh để hỗ trợ đổi mới công nghệ, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ưu tiên đối với những đề án đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì, đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp để phát triển thương hiệu.

Gắn việc phát triển sản phẩm CNNT với phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quà tặng truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến giao thương, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối cung-cầu để đưa sản phẩm CNNT tiêu biểu đến với các thị trường.

KConline