Thông qua các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Cao Bằng (trung tâm) đã và đang hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh hiện đại dần công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, có uy tín trên thị trường.

Hiệu quả thấy rõ

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trung tâm đã hỗ trợ Công ty TNHH Hoàng Chiến 200 triệu đồng đầu tư máy cán tôn 2 tầng, công suất 20m/phút trong dây chuyền sản xuất tôn song. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, việc hỗ trợ một phần kinh phí đã giúp doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm tấm lợp kim loại có mẫu mã đẹp, kích thước phù hợp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với chi phí sản xuất thấp, giá thành hợp lý. Việc đầu tư máy móc thiết bị cũng giúp giảm đáng kể sức lao động cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm cho trên 15 lao động địa phương với thu nhập ổn định trên 4,5 triệu đồng/ người/tháng.

Tương tự, Hợp tác xã Phú Thịnh cũng được trung tâm hỗ trợ kinh phí cho đầu tư máy cắt nhôm 2 đầu trong dây chuyền sản xuất cửa nhôm, cửa nhựa cao cấp. Sau khi khi thiết bị mới đi vào sản xuất đã giúp cải thiện năng lực sản xuất, đem lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho hợp tác xã.

Hợp tác xã Phú Thịnh và Công ty TNHH Hoàng Chiến là 2 trong rất nhiều đối tượng thụ hưởng được khuyến công Cao Bằng hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất những năm qua. Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh, chỉ riêng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, 5 năm vừa qua (2014-2018), khuyến công Cao Bằng đã triển khai 14 đề án với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Uyên, Hạ Lang…

Nhìn chung, các cơ sở được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ từ năm 2014 đến nay vẫn duy trì hoạt động sản xuất tốt, doanh thu tăng dần qua các năm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, các đề án đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh từ 2.210 tỷ đồng năm 2014 lên 4.400 tỷ đồng năm 2018. Một số doanh nghiệp thực hiện tốt và phát huy được hiệu quả của đề án, như: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ngọc, Công ty TNHH Vũ Hoàn, Công ty TNHH Quang Vinh…

Cùng đó, chương trình khuyến công địa phương cũng đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở đổi mới thiết bị sản xuất, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, tận dụng nguyên liệu và lao động sẵn có tại địa phương.

Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ

Với những hiệu quả đã được minh chứng, năm 2019 đổi mới công nghệ sản xuất tiếp tục là nội dung ưu tiên hỗ trợ của khuyến công Cao Bằng. Tỉnh cũng đã khảo sát, đánh giá lại năng lực triển khai của các đối tượng thụ hưởng và đề án so với thời điểm đăng ký để có điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung và đề án sản xuất cát nhân tạo” không thay đổi nội dung đề án, chỉ điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ 800 triệu đồng lên 900 triệu đồng và từ 800 triệu đồng giảm xuống 600 triệu đồng. Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến gỗ và sản xuất vật liệu xây dựng các đối tượng thụ hưởng bảo đảm năng lực triển khai, hiện đã đầu tư nhà xưởng, máy móc và đang trong quá trình lắp đặt thiết bị.

Theo đại diện Sở Công Thương Cao Bằng, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc chủ yếu được triển khai trong các lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị lạc hậu, rất ít dự án đầu tư mới gây khó cho việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công cũng như định mức hỗ trợ còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, khó thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Thực tế, có một số doanh nghiệp trên địa bàn có tiềm lực kinh tế nhưng chưa quan tâm đến chính sách khuyến công do nguồn vốn hỗ trợ thấp, không hấp dẫn.

Ngoài ra, do tỉnh chưa bố trí được cán bộ chuyên trách khuyến công tại các huyện và cộng tác viên làm công tác khuyến công cấp xã nên việc bám sát cơ sở, tìm ra những đối tượng thụ hưởng thích hợp và đủ điều kiện còn rất hạn chế.

Trước những bất cập trên, đại diện Sở Công Thương Cao Bằng đề xuất; UBND tỉnh Cao Bằng bố trí đủ nguồn kinh phí khuyến công địa phương theo kế hoạch giai đoạn đã được duyệt nhằm bảo đảm đủ nguồn lực cho triển khai các hoạt động; sớm phê duyệt Quy chế quản lý và mức chi hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khuyến công làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho tỉnh miền núi, khó khăn như Cao Bằng; tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh.

TQL (TTCN-ARIT)