Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,75%; GRDP công nghiệp tăng 5,76% và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 của ngành đều tăng so năm 2021.

Năm 2022, ngành Công Thương Bình Thuận triển khai nhiệm vụ trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp; năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động dị thường; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ;... đã ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành Công Thương Bình Thuận nói riêng 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận nói chung, đội ngũ công chức, viên chức ngành Công Thương nói riêng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước thực hiện 39.189,7 tỷ đồng, tăng 9,36% so với năm 2021 và tăng 18,31% so với năm 2019 . Có 12/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với năm 2021.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 12.365 tỷ đồng, tăng 5,76% so với năm 2021. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 1.777 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2021; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.329 tỷ đồng, tăng 14,52% so với năm 2021; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí đạt 7.104 tỷ đồng, giảm 2,49 % so với năm 2021; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 155 tỷ đồng, tăng 4,74% so với năm 2021.

Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp (trong giá trị sản xuất công nghiệp) chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2022 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh với 52,92% (năm 2021 chiếm 49,61%). Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 38,44% giảm so với năm 2021 (năm 2021 chiếm 43,11%). Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng với 8,01% (năm 2021 chiếm 6,63%), Nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải vẫn chiếm rất thấp trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp với tỷ trọng là 0,63% (năm 2021 chiếm 0,65%).

Công tác khuyến công cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Hoàn thành 07 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,08 tỷ đồng. Năm 2022, có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 12 nhóm sản phẩm và sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam.

Về lĩnh vực thương mại, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 74.400 tỷ đồng, tăng 25,10% so với năm 2021 và tăng 27,73% so với năm 2019. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 15,04% so với năm 2021 và tăng 35,25% so với năm 2019; doanh thu dịch vụ ước đạt 8.120 tỷ đồng, tăng 51,57% so với năm 2021; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành 14.280 tỷ đồng, tăng 60,21% so với năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước thực hiện 829,4 triệu USD, đạt 113,94 kế hoạch, tăng 28,87% so với năm 2021 và tăng 12,59% so với năm 2019 (trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 775,9 triệu USD, tăng 23,09% so với năm 2021 và tăng 67,35% so với năm 2019). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.320 triệu USD, tăng 13,62% so với năm 2021, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ may mặc, da giày, chế biến thức ăn gia súc,...

Nhìn chung, năm 2022, sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động khuyến công đạt kết quả, từng bước tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt; tình hình thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển với nhiều loại hình đa dạng. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng vượt khó, duy trì hoạt động ổn định, chủ động tìm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, do đó xuất khẩu hàng hóa năm 2022 được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh những mặt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong năm qua của tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại. Việc phối hợp, đề xuất, tháo gỡ vướng mắc trong chồng lấn quy hoạch titan; tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; thu hút các dự án thứ cấp còn hạn chế; sản xuất, phân phối điện gặp nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch Bộ Công Thương giao. Việc tiêu thụ nông sản, nhất là thanh long Bình Thuận qua thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Thị trường Trung Quốc tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác,… ảnh hưởng trực tiếp đến việc,tiêu thụ của nông sản cũng như thanh long Bình Thuận qua thị trường Trung Quốc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc,...

Với kết quả đạt được trong năm qua, cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới, ngành Công Thương Bình Thuận phấn đấu năm 2023 hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 41.377 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.400 tỷ đồng; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 59.000 tỷ đồng.  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 819 triệu USD./.

NTB