Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu thông qua hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những nội dung của hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.

Thực hiện Kế hoạch số 2218/KH-HĐBC ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng bình chọn Bộ Công Thương về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, Cục Công Thương địa phương – Cơ quan Thường trực Hội đồng đã tiếp nhận, tổng hợp được 441 hồ sơ gửi đăng ký tham gia bình chọn cấp quốc gia của 59/63 tỉnh, thành phố. Toàn bộ hồ sơ đạt đủ điều kiện chấm điểm bình chọn được số hóa, gắn mã số, cập nhật tại Hệ thống phần mềm sản phẩm CNNT tiêu biểu tại địa chỉ http://sanphamcnnttb.arit.gov.vn để phục vụ Ban Giám khảo chấm điểm bình chọn. Việc chấm điểm bình chọn được tuân thủ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT. Theo đó, Hội đồng bình chọn, Ban Giám khảo đã thực hiện xem xét, thảo luận thống nhất chấm điểm lựa chọn các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí bình chọn theo quy định; được sản xuất bởi các cơ sở CNNT có quy mô (hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu); sản phẩm có chất lượng, số lượng đáp ứng được yêu cầu cung ứng, phân phối ổn định trên thị trường. Kết quả đã có có 174 sản phẩm, bộ sản phâm đạt đủ điều kiện, được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Theo thống kê, loại hình cơ sở CNNT tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 được tổng hợp như sau: Công ty TNHH: 194; Công ty cổ phần: 66; Hợp tác xã và Tổ hợp tác: 67; Doanh nghiệp tư nhân: 11; Cơ sở sản xuất: 37; Hộ kinh doanh: 55. Cục Công Thương địa phương không thông kê các làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tuy nhiên, qua quá trình đi thực tế sản xuất tại một số cơ sở CNNT cho thấy, một số các cơ sở CNNT thuộc các làng nghề tại một số địa phương (tập trung số ít ở các cơ sở sản xuất sẩn phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến thực phẩm) cho thấy: Bên cạnh các cơ sở CNNT tại làng nghề có đầu tư xứng tầm còn nhiều các cơ sở CNNT có quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất sản phẩm theo thời vụ, (phụ thuộc và mùa vụ thu hoạch nguyên liệu tại địa phương, số lượng lao động mùa vụ) một số sản phẩm của làng nghề tham gia có sản lượng sản xuất và doanh thu thấp, lao động sử dụng trong sản xuất không nhiều, người lao động được tham gia đóng bảo hiểm còn hạn chế; hình thức, nhãn mác, bao bì chưa được quan tâm, chú trọng; việc đầu tư máy móc, thiết bị tiến tiến, hiện đại vào sản xuất còn hạn chế,..Bên cạnh đó, việc phục hồi, duy trì sản xuất sau ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19 của một số cơ sở CNNT trong làng nghề vẫn chưa thực sự thuận lợi và hiệu quả.

Năm 2023 là một năm có các sản phẩm tham gia bình chọn nhiều nhất từ trước đến nay, đặc biệt trong nhóm chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản. Hội đồng, Ban Giám khảo đã thực hiện xem xét, chấm điểm bình chọn 441 hồ sơ thuộc 4 nhóm sản phẩm của 59/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đã có 174 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Tính mới của các sản phẩm năm nay chính là sự đa dạng của sản phẩm, trong đó có sự góp mặt của các sản phẩm là kết quả của việc đầu tư công nghệ chế biến sâu, chế biến bằng công nghệ tiên tiến của các cơ sở CNNT. Ví dụ ở nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, Các sản phẩm rau, củ quả xuất khẩu tăng lên: khoai lang sấy đông lạnh IQF xuất khẩu sang Nhật; hoa quả sấy phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; Các sản phẩm có lợi cho sức khỏe cũng dự thi nhiều như đông trùng hạ thảo, yến chưng đường phèn, rong nho, trà matcha, curcumin; Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nâng cấp công nghệ, thiết bị tăng lên, dẫn đến nhiều sản phẩm được sản xuất ở quy mô lớn có tính ổn định về chất lượng cao, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu thị trường (bún phở, bánh tráng), xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu và chế biến (sữa, chè xanh…), không chỉ tạo ra sự sản phẩm có chất lượng, dễ truy xuất nguồn gốc mà còn tạo ra được chuỗi sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm được nâng cao về chất lượng và đa dạng hóa để phù hợp với xu hướng thị trường. Ví dụ như bánh pía thì có các loại bánh ít đường hay bánh pía sử dụng đường trehalose cho người ăn kiêng.

Một trong những ưu điểm tích cực trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiếp tục được Cục Công Thương địa phương phát huy, áp dụng trong năm 2023 là việc áp dụng phương pháp chấm điểm bình chọn qua Hệ thống phần mềm chấm điểm điện tử. Hệ thống phần mềm chấm điểm điện tử là công cụ phục vụ rất hiệu quả cho công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trong các kỳ bình chọn gần đây, vì số lượng sản phẩm tham dự ngày càng tăng, tài liệu hồ sơ, minh chứng cho các sản phẩm cũng rất nhiều. Quá trình xem xét, hồ sơ chấm điểm bình chọn sản phẩm, các thành viên Ban giám khảo có tài khoản, mật khẩu riêng, thực hiện chấm độc lập. Do đó, đảm bảo tính khoa học và minh bạch trong công tác chấm điểm bình chọn sản phẩm. Tuy nhiên, theo Cục Công Thương địa phương, đến thời điểm này, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ sản phẩm CNNT tiêu biểu là khá lớn. Điều này có thể dẫn đến việc quá tải hệ thống và làm ảnh hưởng trong quá trình chấm điểm cho các kỳ bình chọn sản phẩm tới đây. Theo đó, Cục Công Thương địa phương sẽ có giải pháp, nâng cấp Hệ thống phần mềm phục vụ công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trong giai đoạn tiếp theo.

TQL-KConline