Cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm thuộc địa bàn thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam và xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang với diện tích 50ha. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Ranh giới, phía Bắc giáp dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Kẻn, thị trấn Phương Sơn; phía Nam giáp nhà xưởng, dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm; phía Tây giáp dân cư và đất canh tác nông nghiệp thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm; phía Đông giáp đường bê tông và khu nuôi trồng thủy sản thôn Phương Lạn, thị trấn Phương Sơn.
Sau khi Cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm hoàn thành sẽ thu hút đầu tư các ngành nghề bao gồm: Điện, điện tử, truyền thông, cơ khí, may mặc, thiết bị dụng cụ y tế, dược, chế biến nông sản thực phẩm, bao bì và các sản phẩm từ nhựa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Theo tiến độ thực hiện dự án: Từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2023, chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Từ tháng 1/2024 - 1/2025, bồi thường, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng các hạng mục kỹ thuật của dự án, trong đó có trạm xử lý nước thải; thu hút nhà đầu tư thứ cấp sản xuất kinh doanh lấp đầy tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp.
Cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm sau khi hoàn thành sẽ thu hút đầu tư các ngành nghề bao gồm: Điện, điện tử, truyền thông, cơ khí, may mặc, thiết bị dụng cụ y tế, dược, chế biến nông sản thực phẩm, bao bì và sản phẩm từ nhựa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Sở Công Thương, UBND huyện Lục Nam, UBND huyện Lạng Giang và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm quản lý hoạt động của cụm công nghiệp theo quy định.
Trước thời điểm ban hành Quyết định thành lập cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm, UBND tỉnh Bắc Giang cũng ban hành Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Thanh Sơn, huyện Sơn Động, có diện tích 46 ha, với các ngành nghề thu hút đầu tư bao gồm: Sản xuất, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; may mặc; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; công nghiệp chế biến, chế tạo khác, công nghiệp hỗ trợ.
Bài: Nhung Trần
Ảnh: Sưu tầm