Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương tỉnh An Giang năm 2023 đặt ra như sau: Phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trong khoảng 11,38% – 11,55% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt từ 103.950 – 105.440 tỷ đồng, tăng 112,50% - 114,11% so cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.170 triệu USD, tăng 1% so cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu đạt 218 triệu USD, tăng 3,53% so với cùng kỳ
Để đặt được kế hoạch, chỉ tiêu của ngành đã đề ra, Sở Công Thương xây dựng một số giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực quản lý, hoạt động.
Về lĩnh vực Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Chủ động bám sát tình hình thế giới và trong nước, làm tốt công tác dự báo để xây dựng các giải pháp phát triển công nghiệp phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo,...; Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp,...
Về lĩnh vực thương mại: Xây dựng Kế hoạch dự trữ nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường năm 2023; Phối hơp doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bình ổn thị trường năm 2023; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, siêu thị, chợ,… nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi kinh doanh không lành mạnh, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh mở rộng hoạt động kinh doanh; Xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý và phát triển thương mại cho cán bộ, công chức, thương nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; Đẩy mạnh “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá tỉnh An Giang thời kỳ 2023- 2030 phù hợp với điều kiện thực tế sau khi Bộ Công Thương ban hành kế hoạch và các chương trình hành động triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa; Tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng xây dựng các giải pháp cụ thể khác về công tác cải cách hành chính; công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác bảo vệ môi trường, phòng chống rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu ngành Công Thương.
Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển ngành công nghiệp tỉnh An Giang tăng trưởng bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Đẩy mạnh giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh theo hướng tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại song song đó là khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế biên mậu; hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững; Đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hóa tại địa phương; Khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước, giữ vững ổn định thị trường, phát triển lành mạnh và bền vững thị trường hàng hóa; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần tiêu thụ nội địa, đa dạng các kênh phân phối; Thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định thị trường trên địa bàn, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Đổi mới nội dung, hình thức và đa dạng các hoạt động phát triển thương mại điện tử./.
Bài: Anh Tuấn
Ảnh: Sưu tầm