Qua tìm hiểu tại Thái Bình, các DN đã chủ động nguồn lực đầu tư, đổi mới KHCN. Nhiều mô hình sản xuất “Xanh” được các cơ quan, DN triển khai, phát triển nhanh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho DN và người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Điển hình cho sự chuyển đổi dần từ mô hình sản xuất thủ công, dây chuyền lạc hậu sang sản xuất bằng công nghệ hiện đại tại Công ty CP Hải Ngọc (địa chỉ, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái bình), mọi hoạt động, sản xuất của cán bộ kỹ thuât, công nhân lao động được khép kín theo dây chuyền, đã xây dựng thương hiệu gốm sứ Hải Ngọc xứng tầm và phát triển bền vững.
Kế thừa từ cơ sở sản xuất gốm sứ, với công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu nên tạo ra những sản phẩm chất lượng không cao, gây ô nhiêm môi trường xung quanh, năng suất lao động giảm, khiến cơ sở rơi vào tình trạng phá sản, người lao động có nguy cơ mất việc làm.
Công ty CP Hải Ngọc ra đời trên cơ sở Công ty Hải Ngọc, Ban lãnh đạo Công ty CP Hải Ngọc đã bắt tay ngay vào xây dựng lại mô hình, chiến lược đầu tư sản xuất. Phân công lập kế hoạch, chủ động huy động nguồn lực, đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại; đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật và người lao động làm quen với công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ban lãnh đạo Công ty đã quyết định ưu tiên đầu tư hệ thống trạm “sinh khối, sinh khí”, sử dụng viên nén gỗ thay thế cho khí tự nhên và than đá.
Năm 2022, Công ty CP Hải Ngọc là một DN được hưởng thụ đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống trạm “sinh khối, sinh khí”, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Công ty CP Hải Ngọc đã thực hiện ngay đề án, vừa duy trì sản xuất, vừa xây dựng trạm và đấu nối hệ thống chuyển đổi khí nhằm ổn định sản xuất, cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường và người tiêu dùng. Với tổng trị giá nguồn vốn trên 8 tỷ đồng, cộng thêm nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300.000 đồng, Công ty đã đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất tạo việc làm cho người lao động.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Hương - Phó GĐ Phụ trách sản xuất Công ty CP Hải Ngọc cho biết: Cùng với nguồn vốn khuyến công, Công ty CP Hải Ngọc đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm “sinh khối, sinh khí” sử dụng viên nén gỗ; thay thế hệ thống lò nung bằng than đá nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và quy định xử lý môi trường của Nhà nước.
Lợi ích của hệ thống trạm “sinh khối, sinh khí” là sử dụng viên nén gỗ thay thế cho các nguyên nhiên liệu hóa thạch; hệ thống chuyển đổi được vận hành khép kín; nguyên lý hoạt động của trạm chuyển đổi là viên nén gỗ đưa vào buồng đốt cháy âm ỉ trong môi trường thiếu oxy, lúc này viên gỗ nén vừa cháy vừa sinh ra khí mê tan khí C02, lượng khí sinh ra tạo ra áp suất tự đẩy qua hệ thống làm mát và sạch bụi khí, sau đó một quạt hút được đấu nối vào hệ thống lò nung.
Ông Hương cho biết thêm: Cứ 01 tấn viên nén gỗ sinh ra được 50m3 khí, chi phí hết 01 triệu đồng, nếu sử dụng khí thiên nhiên như gas, khí hóa lòng hay than cho ra 5m3 thì giá thành khoảng 1,1 triệu đồng, tăng khoảng 10%. Về chất lượng khí đáp ứng được 90% so với than hóa thạch, hoặc khí thiên nhiên, nhưng nó vẫn đủ đảm bảo cho nung sản phẩm sứ, bằng cách nhập một số thiết bị của nước ngoài để nén tạo ra áp suất nhất định, nâng được nhiệt trị của dòng khí này lên. Năng lượng cung cấp phụ thuộc vào nhiệt trị của từng loại, ví dụ: Gỗ nhiệt trị thấp hơn than đá, than đá nhiệt trị thấp hơn khí tự nhiên, khí hóa lỏng, nhưng cân đối giá thành thì viên nén gỗ thấp hơn, hiệu quả hơn.
Năm 2022, Công ty đạt sản lượng trên 80.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng, đây là cả một sự nỗ lực phấn đấu của tập thể ban lãnh đạo và người lao động Công ty, đem lại việc làm cho 30 công nhân, người lao động với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Đỗ Huyền Trang là người lao động đã gắn bó nhiều năm tại DN chia sẻ: Từ khi Công ty chuyển đổi mô hình nung đốt bằng than sang hệ thống đốt viên nén gỗ lấy khí, tình trạng ỗ nhiễm môi trường giảm, khói bụi tại các dây chuyền sản xuất giảm, người lao động rất phấn khởi, sức khỏe được đảm bảo, môi trường làm việc tốt hơn. Qua đó, năng suất lao động tăng nên, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng sau nung giảm, chất lượng sản phẩm tăng cao, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời, đời sống của người lao động được tăng hơn và ổn định hơn.
Công ty Công ty CP Hải Ngọc ngoài việc đầu tư hệ thống trạm khí đốt, đơn vị đã nhập thiết bị, sử dụng công nghệ nghiền mịn chất thải rắn là sản phẩm gốm sứ bị hỏng vỡ rồi pha vào hồ liệu tái sử dụng, tác dụng của xương sứ nghiền là giảm được độ co và chống biến dạng của sản phẩm trong quá trình nung, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết triệt để chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường.
Xanh hóa hoạt động sản xuất dựa trên các nguyên tắc cơ bản, liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. Các DN trên địa bàn tỉnh Thái Bình rất cần sự hỗ trợ hơn nữa cả về chính sách và nguồn lực, giúp các DN đầu tư, ứng dụng KHCN thúc đẩy sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, tạo đà cho các DN phát triển bền vững, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: Tạp chí công nghiệp và tiêu dùng
ST: NTB-VP