Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 17.681 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề: Chế biến thủy sản - thực phẩm- nông sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ khí. Các sản phẩm từ tổ yến, khô cá, mật ong, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ… là những sản phẩm thế mạnh của CNNT thành phố. Theo đánh giá từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các sản phẩm CNNT chủ yếu được sản xuất theo kiểu truyền thống, thiết bị thô sơ; năng suất, hiệu quả thấp. Chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì mẫu mã đơn giản, do vậy, chưa thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, chưa có sự liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành được làng nghề. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội địa, khó mở rộng quy mô sản xuất.
Nắm rõ điểm yếu trên, thông qua chương trình khuyến công, Sở Công Thương thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đổi mới sản xuất cho doanh nghiệp CNNT. Riêng 4 năm vừa qua (2016 - 2020), đã có 7 cơ sở sản xuất CNNT được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất. Sự hỗ trợ kịp thời đã phần nào khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, so với nhu cầu thị trường và tiềm năng phát triển, doanh nghiệp CNNT thành phố còn có khả năng mở rộng sản xuất hơn nữa. Số lượng cơ sở có nhu cầu và chưa được thụ hưởng chính sách khuyến công còn khá lớn. Do đó, Sở Công Thương thành phố đã tiếp tục xây dựng chính sách mới, làm cơ sở cho các cơ quan liên quan linh hoạt ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển sản xuất, sản phẩm.
Theo đó, chương trình khuyến công TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng với mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 5 huyện như: Mật ong (huyện Bình Chánh); chế biến tổ yến, khô cá dứa, mật dừa nước, tôm nước lợ (huyện Cần Giờ); các sản phẩm từ tinh bột, các sản phẩm từ sữa bò, khô cá sặc (huyện Củ Chi); phát triển cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ, tôm nước lợ (huyện Nhà Bè); nông sản sấy khô (huyện Hóc Môn). Ngoài ra, hỗ trợ phát triển thêm một số ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống như sản phẩm đan lát Thái Mỹ, sản phẩm mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), sản phẩm đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn). Sẽ có 20 mô hình trình diễn kỹ thuật/mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn được triển khai thực hiện; 30 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để phát triển các sản phẩm đặc trưng và truyền thống của 5 huyện. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia nhiều kỳ hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm quảng bá, giới thiệu và tìm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT.
Một trong những giải pháp “đinh” được Sở Công Thương thành phố chú trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho các chương trình là đa dạng nguồn kinh phí thực hiện. Theo đó, thành phố sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 44,64 tỷ đồng…
Nguồn kinh phí dự kiến cho thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 cao gấp hơn 6 lần so với chương trình giai đoạn trước, ghi nhận sự nỗ lực của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong đảm bảo hiệu quả cho các đề án. |
Theo Báo Công Thương