Thanh Hóa hiện có nhiều làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển. Tỉnh này đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển từ xa xưa đến ngày nay. Cùng với chức năng làm ra sản phẩm phục vụ đời sống, các làng nghề còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống. Nhiều sản phẩm từ các làng nghề đang dần có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Tỉnh này đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, với trên 30.000 cơ sở sản xuất. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời, nổi tiếng khắp cả nước như: Làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, nghề đúc đồng truyền thống Chè Đông huyện Thiệu Hóa, nghề dệt chiếu huyện Nga Sơn, làng nghề chế tác đá Làng Mai huyện Vĩnh Lộc… các làng nghề phát triển vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là một vấn đề rất nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và các địa phương. Do nhiều lý do khác nhau, một số làng nghề đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ như: Làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô của huyện Thiệu Hóa. Tuy nhiên, có nhiều huyện đã xây dựng và phát triển mạnh làng nghề truyền thống, tạo ra việc làm cho cả nghìn lao động như huyện Vĩnh Lộc. Theo số liệu của UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện có trên 20 nghề đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 2.600 lao động.

Đa phần các nghề trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đang hoạt động có hiệu quả, nhiều sản phẩm tại đây đã dần có thương hiệu. Tiêu biểu như: làng nghề chế tác đá Làng Mai tại xã Minh Tâm đang phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về quy mô sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/lao động/tháng. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được sản xuất bằng máy móc, nhiều hộ trong làng nghề đã tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp. Doanh thu từ các sản phẩm đá mỹ nghệ đạt trên 75 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, làng nghề cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tại thị trấn Vĩnh Lộc hiện phát triển ổn định, có 50 hộ tham gia sản xuất, với số lao động khoảng 100 người. Tổng doanh thu từ các sản phẩm hoa, cây cảnh hàng năm đạt khoảng 13 tỷ đồng. Hay làng nghề đan lồng đèn tại xã Vĩnh Hòa đang phát triển mạnh, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động.

Có thể thấy, việc phát triển các làng nghề, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề ở huyện Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Một số cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nghề, làng nghề có thương hiệu của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn ít. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu thì sức lan tỏa vẫn còn ở quy mô hẹp. Điều này đã và đang ảnh hướng đến sự phát triển của các làng nghề.

Để phát triển thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn nói chung, các làng nghề, nghề truyền thống nói riêng. Cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp, như kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nghề trên địa bàn, tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm OCOP tại mỗi làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Đồng thời, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm có tính đặc trưng, có khả năng cạnh tranh, có giá trị kinh tế để đầu tư phát triển bền vững.

Theo Báo Công Thương