Có hiệu lực vào nửa cuối năm 2020, EVFTA được xem là cú hích cho xuất khẩu, nhưng để hàng Việt có thể cạnh tranh đường dài, cần đầu tư bài bản, thiết kế lại chuỗi cung ứng…

Xuất khẩu sang EU giảm so với dự báo
5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) chỉ đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều thị trường có mức giảm sâu 12 - 30% (Áo, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Ireland); chỉ có 4 thị trường tăng trưởng là Hungaria (tăng 62%), Estonia (tăng 50%), Phần Lan (tăng 36%) và Bungaria (tăng 16,4%).
So với dự báo mà Bộ Công Thương đưa ra hồi cuối tháng 3 (xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang EU có thể giảm 6 - 8% nếu Covid-19 kéo dài đến tháng 6), mức sụt giảm sau 5 tháng đã lớn hơn nhiều.

Liên tiếp trong những tháng qua, nhiều doanh nghiệp giày dép “đau đầu” vì nhu cầu tiêu dùng giày dép toàn thị trường EU giảm mạnh do tác động của Covid-19. “Đơn hàng cho cuối năm vẫn khan hiếm; còn nếu có, thì giá trị cũng bị điều chỉnh giảm khoảng 30% so với năm 2019”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu giày tại Bình Dương thừa nhận.
Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu giày dép sang EU trị giá khoảng 4,65 tỷ USD và xuất khẩu túi xách trị giá khoảng 1 tỷ USD. EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành da giày, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Thị trường này càng đặc biệt có ý nghĩa, khi EVFTA sắp có hiệu lực.
Do EU là thị trường lớn, nên chỉ cần kim ngạch xuất khẩu sụt giảm 10%, đã tương ứng với việc bị tuột mất gần 600 triệu USD.
Đầu tư theo chuỗi giá trị
Đáp ứng tiêu chí xuất xứ và vượt qua các rào cản kỹ thuật cao của EU là hai yêu cầu để hàng hóa của Việt Nam được áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi và thâm nhập thành công vào thị trường lớn, nhưng rất khó tính này.
EVFTA sẽ đi vào thực thi từ nửa cuối năm nay, song có thể thấy, lợi thế từ việc mở cửa thị trường, giảm thuế khó tạo nên mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh đối với những ngành hàng thường được đánh giá là hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do như dệt may, giày dép, thủy sản…

                                                                                                  

Doanh nghiệp Việt muốn tăng lượng hàng xuất đi, thì vẫn phải vượt qua rào cản kỹ thuật chặt chẽ từ phía EU
Thực tế, từ trước khi Covid-19 xuất hiện, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có biểu hiện chững lại, thậm chí sụt giảm nhẹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, trong khi năm 2018 đạt 41,9 tỷ USD.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) lý giải, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đã qua giai đoạn phát triển nóng. Các mặt hàng nông sản như cà phê, rau quả, hạt điều… chủ yếu là xuất thô, nên giá trị gia tăng không lớn, lại chịu tác động mạnh từ việc giảm giá và nguồn cung tăng cao trên thị trường thế giới.
Do đó, kể cả khi nhu cầu của thị trường EU tăng, doanh nghiệp Việt muốn tăng lượng hàng xuất đi, thì vẫn phải vượt qua rào cản kỹ thuật chặt chẽ từ phía EU. Điển hình là nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định kiểm dịch động thực vật linh hoạt, nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng; công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt, nên chất lượng còn hạn chế.
Ngoài tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm đó cũng phải được đáp ứng, thì doanh nghiệp mới xuất được hàng vào EU. Chẳng hạn, không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép…
Do đó, về dài hạn, để cạnh tranh đường dài với nông sản của đối thủ tại EU, doanh nghiệp phải tăng chế biến, đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm phải giữ được độ tươi ngon sau chế biến, để có được giá xuất khẩu tốt.
Chỉ ra cơ hội mà Việt Nam có được khi EVFTA đi vào thực thi, nhưng ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cũng lưu ý, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong giai đoạn 2001-2018 tăng 16%, nhưng khi so sánh với tỷ trọng thương mại toàn cầu, thì lại đang có xu hướng nhỏ dần. Vì vậy, Việt Nam cần nắm bắt tốt những cơ hội mà EVFTA mang lại.
Còn ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, EVFTA sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng, nếu muốn tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định này.
Khi EVFTA có hiệu lực, lợi ích mà hai bên thu được rất lớn
EVFTA dự kiến được thực thi từ ngày 1/8/2020. Kể từ ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, mức thuế của 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ lập tức về 0%. Trong 7 năm tiếp theo, hầu hết các dòng thuế xuất khẩu cùng sẽ về 0.
Theo ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, khi EVFTA có hiệu lực, lợi ích mà hai bên thu được sẽ rất lớn. Đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,4%; xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng 20%.


Theo tapchicongthuong.vn