Anh Hoàng Ngọc Quý, chủ cơ sở cơ khí Toàn Cầu 2 ở đường Tôn Thất Thuyết, Phường 5, thành phố Đông Hà nhận thấy nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân trên địa bàn về các loại sản phẩm bằng sắt mỹ nghệ như cửa hoa, cổng hoa, lan can, ô gió, cầu thang, xích đu, ghế ngồi… được trang trí các hoa văn đẹp liền chuyển hướng sản xuất từ thiết kế, thi công hộp đèn sang đầu tư máy cắt sắt CNC để sản xuất các loại sản phẩm đó. Năm 2018, anh Quý đầu tư 176 triệu đồng mua máy cắt sắt CNC. Được đơn vị cung ứng máy hướng dẫn kỹ về cách vận hành máy, anh Quý dễ dàng sử dụng thành thạo máy cắt sắt CNC Plasma. Vốn là người trong ngành thiết kế nên sản phẩm của cơ sở cơ khí Toàn Cầu 2 làm ra có tính thẩm mỹ cao, thu hút được nhiều khách hàng. Chỉ sau hơn 1 năm, cơ sở cơ khí của anh Quý đã đạt doanh thu gần 1 tỉ đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận anh thu được hơn 30%.
Cơ sở sản xuất cơ khí Toàn Cầu 2 giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức tiền công từ 7,5- 9 triệu đồng/người/tháng. Thấy được hiệu quả sản xuất của cơ sở cơ khí Toàn Cầu 2 và để động viên chủ cơ sở quyết tâm hơn với nghề cơ khí, mở rộng quy mô, năm 2019, từ kiến nghị, khảo sát của địa phương, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 45 triệu đồng để đầu tư máy móc phát triển sản xuất. Anh Hoàng Ngọc Quý cho biết: “Vì mới chuyển qua sản xuất kim cơ khí nên vốn ít, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn thì cơ sở đã giải quyết được phần nào khó khăn về vốn. Đồng thời, qua đó cũng rất phấn khởi vì những hoạt động khởi nghiệp ban đầu của tôi đã được nhà nước quan tâm, từ đó khuyến khích tôi thêm động lực để đầu tư sản xuất có hiệu quả hơn”.
Bình quân mỗi năm, trên địa bàn thành phố Đông Hà có khoảng 15 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được nguồn vốn khuyến công các cấp hỗ trợ mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và phát triển thương hiệu sản phẩm, trong đó nguồn vốn khuyến công cấp tỉnh hỗ trợ từ 5- 7 dự án, nguồn vốn khuyến công cấp thành phố từ 5- 8 dự án. Các mô hình khuyến công mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ tại thành phố Đông Hà đều có sự phối hợp khảo sát và quản lý của Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, khuyến công và dịch vụ công ích Đông Hà. Nhờ sự phối hợp này, các dự án đã được hỗ trợ đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và đưa lại hiệu quả cao. Phần lớn các dự án hỗ trợ máy móc thiết bị tại thành phố chủ yếu về lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống; cơ khí gia công; mộc dân dụng; vật liệu xây dựng; sản xuất tinh dầu các loại; may mặc. Bình quân mỗi năm, tổng nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tại thành phố khoảng 400- 500 triệu đồng (không kể nguồn vốn khuyến công quốc gia), trong đó vốn của tỉnh chiếm 60% và vốn của thành phố chiếm 40%.
Mỗi dự án khuyến công đều trên cơ sở kết quả khảo sát của Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, khuyến công và dịch vụ công ích Đông Hà, các phòng, ban chuyên môn của thành phố đánh giá tính hiệu quả của dự án trình UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ. Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, khuyến công và dịch vụ công ích Đông Hà đều có sự giám sát, phối hợp chuyển giao công nghệ, hướng dẫn làm thủ tục thanh toán… Các cơ sở được hỗ trợ cũng đảm bảo đủ các điều kiện như có giấy đăng ký kinh doanh, nếu cơ sở chế biến thực phẩm thì phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, khuyến công và dịch vụ công ích Đông Hà Phan Xuân Hưng cho biết: “Qua kiểm tra sau hỗ trợ cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất tiếp thu tốt công nghệ, vận hành máy móc, thiết bị hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình thanh niên khởi nghiệp, có sự hỗ trợ này thì thực sự tạo ra động lực để khuyến khích phát triển”.
Năm 2020, nguồn vốn khuyến công của thành phố được bố trí từ ngân sách 200 triệu đồng, ưu tiên hỗ trợ đối với các dự án đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; dự án của thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; dự án du nhập nghề mới; dự án phát triển sản phẩm đặc trưng; dự án sản xuất sạch; sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường; dự án thu hút nhiều lao động… Cùng với nguồn vốn khuyến công của tỉnh, thành phố sẽ có nhiều hơn những dự án khuyến công được hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, khuyến khích sự đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp vào lĩnh vực công nghiệp, đưa giá trị sản xuất trong lĩnh vực này của thành phố tiếp tục tăng trưởng khá và dịch chuyển đúng hướng theo định hướng phát triển cơ cấu kinh tế của thành phố, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị