Mới đây, ngày 15/5/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT). Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và đại diện đơn vị Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cùng  các Sở, ngành, đơn vị liên quan và 120 HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hiệu quả rõ nét

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là kim chỉ nam cho các địa phương, trong đó có Thanh Hóa hoàn thiện hệ thống chính sách, huy động nguồn lực cho phát triển KTTT.

Tính đến hết năm 2018, Thanh Hóa có 1 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) và 968 HTX, tăng 1,48 lần so với năm 2003. Hiện 883/968 HTX đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đạt 91,2%. Tổng giá trị tài sản của HTX là 7.161 tỷ đồng.

15 năm qua, hoạt động của các HTX phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của kinh tế hộ, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các HTX thành lập mới có hình thức tổ chức và phương thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, địa phương. Liên kết kinh tế giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế được triển khai thực hiện. Đáng lưu ý, chất lượng HTX được nâng lên, khu vực kinh tế tập thể đã khắc phục được cơ bản tình trạng yếu kém so với tr¬ước khi có Nghị quyết, số HTX khá ngày càng tăng, từ 123 HTX năm 2003 lên 389 HTX năm 2018, chiếm tỷ lệ hơn 39,8% tổng số HTX; số HTX yếu kém giảm từ 21% năm 2003 xuống còn 15,5% năm 2018.

Cùng với HTX, tổ hợp tác (THT) cũng đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương, hoạt động của các THT góp phần hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các hộ thành viên, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư, tiền vốn, tiếp cận được những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật. So với năm 2003, cơ chế tổ chức và quản lý THT được hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Nội dung hoạt động được mở rộng, quy mô hoạt động, nguồn vốn được đầu tư, khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất.

Khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX đang thực sự chuyển biến theo hướng vững chắc, phát triển đa dạng và hiệu qủa hơn. Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập thêm được nhiều HTX kiểu mới, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 968 HTX và Thanh Hóa hiện là địa phương có số lượng HTX thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng HTX được nâng lên và khu vực KTTT đã khắc phục được cơ bản tình trạng yếu kém so với trước khi có Nghị quyết.

Hoạt động của các HTX đã góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Nhiều HTX quan tâm phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, làm tốt và mở rộng, đa dạng các khâu dịch vụ. Công tác tổ chức, quản lý HTX được củng cố và nâng lên rõ rệt. Bước đầu, KTTT đã khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và phát triển kinh tế xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến cơ chế hoạt động, quản lý, chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Trong đó, các đại biểu quan tâm nhiều và đề xuất Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các HTX trong vấn đề tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi hoặc nới lỏng thủ tục vay vốn theo hình thức tín chấp. Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, làm động lực thay đổi phương thức sản xuất, mở rộng, nâng cao hiệu quả các dịch vụ cạnh tranh của HTX.

Định hướng dài hạn

Với những hiệu quả rõ nét đã đạt được khẳng định, KTTT vẫn là khu vực được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên và xây dựng định hướng phát triển lâu dài. Tỉnh cũng xây dựng những tiêu cụ thể cho KTTT đến năm 2025 và 2030. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, thành lập mới: 150 THT, 150 HTX và 2 liên hiệp HTX, trong số 150 HTX thành lập mới, có 140 HTX nông nghiệp; 10 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX hơn 5,2 tỷ/năm; thu nhập bình quân lao động HTX đạt khoảng 35 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2025 - 2030, thành lập mới: 200 THT, 200 HTX, 5 liên hiệp HTX, trong số 200 HTX thành lập mới, có 160 HTX nông nghiệp; 40 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX hơn 6,5 tỷ/năm; thu nhập bình quân lao động HTX đạt khoảng 45 triệu đồng/năm.
Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về KTTT, tỉnh  sẽ thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực để đưa ra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả; chú trọng một số nghề thuộc thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động xã hội, các nghề đạt chuẩn quốc gia, như: Công nghệ chế biến, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn theo hướng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các HTX nâng cao chất lượng phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng các mô hình liên kết bền vững trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình.

Cùng đó, tỉnh tập trung hỗ trợ, xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX; tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội để hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, từ sau khi Nghị quyết số 13/NQ/TW ngày 18/3/2002 ra đời, KTTT trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc mới, thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh về số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX - nòng cốt của KTTT.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và phấn đấu đạt được những mục tiêu phát triển KTTT trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng vai trò của KTTT trong giai đoạn mới; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị đối với phát triển KTTT. Đánh giá nguồn nhân lực hiện có, trên cơ sở đó xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ có năng lực, trình độ về công tác tại các HTX. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về KTTT, HTX. Các HTX cần chủ động trong việc đổi mới, cải cách phương thức hoạt động, liên hiệp, hợp tác để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao gắn với tiêu thụ bền vững.

Đồng chí cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại chính xác số lượng HTX chưa hoàn thành công tác chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 để có hướng xử lý; thống kê, báo cáo lại các chính sách và thực tế triển khai, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực KTTT. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, bổ sung chính sách đất đai, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận của các HTX. Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá tình hình ứng dụng khoa học công nghệ đối với sản xuất, kinh doanh của các HTX hiện nay.

TQL (TTCN)

Tin đã đăng