Thực hiện Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 10/01/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 -2030; từ ngày 21/06 đến ngày 26/06 Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên (Chi cục Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên, UBND thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ và huyện Đại Từ tổ chức 05 Hội nghị trao đổi các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thành phố.

Thái Nguyên là một tỉnh trung tâm của trung du và miền núi Bắc Bộ với nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống. Bên cạnh việc bảo tồn, các làng nghề đã luôn tìm hướng đi mới để sản phẩm của mình được phát triển và vươn xa hơn trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 272 làng nghề được công nhận, trong đó có 184 làng nghề truyền thống và 88 làng nghề. Có tổng 107 HTX số nông nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 42 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề giúp người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn là làng nghề tận dụng được các loại hình lao động mà các khu vực kinh tế khác, khắc phục được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn… Ngoài ra, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống còn đóng góp giá trị to lớn trong giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.

Trong thời gian qua, công tác Bảo tồn và phát triển làng nghề luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương, như: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030; UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 10/01/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2030; các Sở, ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai các văn bản hướng dẫn, các Chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các hộ dân sống trong làng nghề. Qua đó bước đầu đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX trong làng nghề đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3,4 sao, sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu; tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện chính trị tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Kỹ năng quản lý, điều hành một số Ban quản lý làng nghề, làng nghề truyền thống còn yếu; Sản phẩm của làng nghề chưa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng; số lượng sản phẩm của các làng nghề khẳng định thương hiệu trên thị trường chưa được nhiều; Cơ sở hạ tầng của nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống xuống cấp, mặt bằng của các cơ sở sản xuất chật hẹp, việc phát triển các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong làng nghề còn hạn chế nên thiếu sự liên kết trong việc phát triển kinh tế làng nghề; Làng nghề chưa có tư cách pháp nhân (không có con dấu), không có tài sản, đất đai thế chấp để vay vốn phát triển sản xuất; Phần lớn lao động trong làng nghề đã lớn tuổi do các lao động trẻ tại địa phương đã đi làm tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; Chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghệ nhân đối với lĩnh vực “Nghề thủ công truyền thống" trong lĩnh vực nông nghiệp nên khó khăn trong việc tôn vinh các danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, xét công nhận làng nghề truyền thống ... đã ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Tùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 – 2030, trong thời gian tới Chi cục PTNT tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ giải pháp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 25/QĐ-UBND, cụ thể: (1)Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn phát triển làng nghề. (2) Bảo tồn và phát triển các làng có nghề và các làng nghề đã được công nhận. (3) Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. (4) Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất các sản phẩm theo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Quốc gia. (5) Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi. (6) Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm. (7) Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. (8) Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề”.

Tại các hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn như: Việc liên kết sản xuất, hỗ trợ phát triển làng nghề; xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề ...

Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt

ST: NTB